Theo nhận định của BVSC, giá dầu nhiều khả năng tiếp tục hồi phục sau quyết định cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC. Theo thỏa thuận đạt được vào cuối năm 2016, bắt đầu từ 1/1/2017, các nước thành viên OPEC sẽ cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày và các nước ngoài OPEC sẽ cắt giảm 558 thùng dầu/ngày, khiến lượng cung dầu trên toàn thế giới giảm 1,758 triệu thùng/ngày. Trường hợp nếu nhu cầu dầu mỏ trong 2017 không tăng mà vẫn giữ nguyên như 2016 thì ước tính cung chỉ vượt cầu 242 nghìn thùng/ngày. Nếu nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng 1,15 triệu thùng/ngày trong năm 2017 thì cung dầu mỏ sẽ ít hơn cầu khoảng 908 nghìn thùng/ngày.

BVSC cho rằng, diễn biến mới này đã hỗ trợ rất lớn cho đà hồi phục của giá dầu thế giới vào thời điểm cuối năm 2016 và dự báo đà tăng của mặt hàng này có thể sẽ còn tiếp diễn trong năm 2017 khi các quyết định cắt giảm chính thức có hiệu lực. Đây sẽ là nhân tố gây áp lực không nhỏ lên giá nhóm hàng giao thông trong năm 2017. Ngoài ra, chi phí vận chuyển tăng cũng có thể kích hoạt đẩy giá các mặt hàng tiêu dùng khác tăng lên, đặc biệt là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

Công ty này cho biết, trong năm 2017, y tế và giáo dục tiếp tục thực hiện lộ trình tăng giá. Trong năm 2016, đã có 36 tỉnh, thành điều chỉnh xong giá dịch vụ y tế theo hai bước. Như vậy còn khoảng 18 tỉnh, thành nữa chưa điều chỉnh xong và dự kiến việc điều chỉnh này sẽ kết thúc ngay trong các tháng đầu năm 2017 với mức tăng thêm ước tính của nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế hơn 10%, tương đương mức đóng góp vào chỉ số CPI chung trong năm 2017 khoảng 0,5-0,6%.

Đối với nhóm hàng giáo dục, ước tính lộ trình tăng giá nhóm hàng giáo dục (gồm học phí các câp học từ mầm non đến đại học) theo Nghị định 86 sẽ khiến chỉ số CPI chung mỗi năm tăng thêm khoảng 0,3% từ nay đến năm 2021. Như vậy, lộ trình điều chỉnh giá hai nhóm hàng giáo dục và y tế sẽ tiếp tục đóng góp khoảng 0,9% vào mức tăng CPI chung trong năm 2017.

Một lý do khác được BVSC đưa ra để lý giải cho dự báo về lạm phát của mình là độ trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ.

Trong hai năm 2015 và 2016, Ngân hàng Nhà nước đã có sự nới lỏng nhất định trong chính sách tiền tệ thông qua tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2, nhằm tạo thành khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng, giúp hạ mặt bằng lãi suất, kích thích tăng trưởng tín dụng.

“Ảnh hưởng có độ trễ của chính sách nới lỏng cung tiền, mặc dù không quá lớn như trong các giai đoạn trước năm 2011, nhưng cũng có thể góp phần làm cho lạm phát 2017 tiếp tục neo ở mức tương đương năm 2016”, BVSC nhận định./.

D.T