ĐB Quốc hội phát biểu tại phiên họp chiều 7/11. Ảnh: TTXVN

Về cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát, Tòa án và báo cáo thẩm tra, nhiều Đại biểu (ĐB) cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ của các cơ quan tư pháp trong việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra.

Tuy nhiên, các ĐB cũng cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đầy đủ về tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là vấn đề đánh giá tình hình vi phạm của cán bộ, công chức; tình trạng bảo kê còn diễn ra ở một số địa phương; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh.

Kết quả xử lý tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế; tỷ lệ trả lại hồ sơ còn cao kể cả của Viện kiểm sát lẫn Tòa án; chất lượng tranh tụng trong các phiên toà còn chậm được cải tiến, chưa đáp ứng được yêu cầu về cải cách tư pháp...

Chống tham nhũng không chỉ là hô hào

Thừa nhận tham nhũng là quốc nạn, nhưng ĐB Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) lưu ý rằng, chống tham nhũng không chỉ đơn giản là tuyên bố rằng “tham nhũng là quốc nạn”. Có nhiều việc phải làm để chống tham nhũng, buộc phải có đối tượng cụ thể, có bằng chứng cụ thể mới xử lý được.

ĐB cho rằng cải cách hành chính chính là khắc tinh của tham nhũng, chỉ cần nhìn vào sinh hoạt và nề nếp phục vụ dân chúng của một cơ quan công quyền để xem sự nghiêm túc ra sao, có thể biết ngay đó là nơi tham nhũng có thể phát triển, có thể nằm lên trên luật pháp hay không.

Theo ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), quan trọng nhất trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay là phải công khai và minh bạch trong tất cả các lĩnh vực, về tất cả các tiêu chí, kể cả công tác cán bộ, bổ nhiệm,… “Ngay cả quy hoạch cán bộ tôi thấy luôn luôn phải đóng mật, tại sao không phải công khai để cho tất cả mọi người biết, để họ thấy người đó có xứng đáng không”.

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Huỳnh Hữu Phước cho rằng, việc công khai tài sản tất cả công chức, quan chức, thành viên Chính phủ là việc cần thiết để bảo đảm phòng tham nhũng, giúp họ giữ được đức liêm chính.

Đánh giá về công tác phòng chúng tham nhũng năm qua, ĐB Nguyễn Đình Quyền tâm đắc với nhận xét của Chính phủ là “nói không đi đôi với làm”. Theo ĐB Quyền, các thiết chế đã có đầy đủ, đã đến lúc nói phải đi đôi với làm trong phòng chống tham nhũng.

Những từ ngữ mạnh dành cho tham nhũng
Qua đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta thấy người dân, thế hệ trẻ khát khao niềm tin, khát khao thần tượng thế nào. Ở đâu đó, đang có sự khủng hoảng về niềm tin trong thế hệ trẻ. Tôi cho rằng các thế hệ cha anh phải nhìn lại mình để làm gương cho thế hệ trẻ, phải trở thành tấm gương để cho thế hệ sau nhìn vào, tin và noi theo. ĐB Nguyễn Đình Quyền

Không nên đổ hết cho kinh tế thị trường

ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, báo cáo của Chính phủ trong nhiều năm còn thiếu mảng lớn là vi phạm về kỷ luật hành chính công chức. “Hàng năm, chúng ta xử lý 140.000 đến 150.000 tội phạm, nhưng vi phạm pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như thế nào thì cho đến nay Quốc hội, nhân dân không được biết”.

Trước việc vi phạm tội phạm không ngừng tăng qua hàng năm, về tính chất, mức độ, ĐB Nguyễn Đình Quyền đề nghị đánh giá rà soát lại hiệu quả của hàng loạt chương trình phòng chống tội phạm. “Tôi không đồng ý cứ nói đến nguyên nhân tội phạm là đổ cho mặt trái của kinh tế thị trường. Điều đó có nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu, mà nguyên nhân chủ yếu tôi cho là do yếu kém trong quản lý, đấy mới là điểm mấu chốt”, ĐB Quyền nhấn mạnh.

Thế hệ đi trước phải là tấm gương cho giới trẻ

Cảnh báo về tình trạng tội phạm trẻ gia tăng, ĐB Quyền cho rằng bên cạnh những nguyên nhân đã được nêu, còn có nguyên nhân là sự khủng hoảng về niềm tin, ý thức hệ trong thế hệ trẻ. “Qua đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta thấy người dân, thế hệ trẻ khát khao niềm tin, khát khao thần tượng thế nào. Ở đâu đó, đang có sự khủng hoảng về niềm tin trong thế hệ trẻ. Tôi cho rằng các thế hệ cha anh phải nhìn lại mình để làm gương cho thế hệ trẻ, phải trở thành tấm gương để cho thế hệ sau nhìn vào, tin và noi theo”, ĐB Quyền nói.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức hướng thiện cho thanh thiếu niên, ĐB Hoàng Hữu Phước cho rằng thiếu nội dung giáo dục đạo đức con người theo đạo đức truyền thống và lệch tông nội dung giáo dục công dân sẽ dẫn đến thiếu cơ sở vững chắc để có những công dân luôn “dị ứng với tiêu cực”.

“Tham nhũng xói mòn niềm tin của dân với Đảng, với Chính phủ, phá hoạt thành quả xây dựng đất nước về kinh tế, suy yếu uy tín quốc gia trên trường quốc tế, triệt tiêu ý chí của người dân đối với tiền đồ tổ quốc và là tội lỗi với tổ tiên, tội ác với dân tộc”,ĐB Hoàng Hữu Phước đánh giá tác hại của tham nhũng./.

Dương An