PV: Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của liên Bộ Công thương - Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua, đặc biệt trong các kỳ điều hành giảm giá xăng dầu gần đây?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Khi nước ta bắt đầu mở cửa trở lại để phục hồi sản xuất thì lúc đó giá xăng dầu thế giới đã tăng. Vì vậy, liên Bộ Công thương - Tài chính đã quyết định xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức cao nhất có thể để giúp cho việc phục hồi doanh nghiệp. Nhờ đó, giá xăng dầu hạ thấp đến 31/12/2021. Theo đánh giá của Hiệp hội Xăng dầu thế giới, giá xăng dầu tại Việt Nam tăng chậm hơn giá xăng dầu thế giới khoảng 12%. Điều này hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam khôi phục và phát triển mạnh hơn. Trên cơ sở đó, mặc dù tăng trưởng kinh tế quý III âm 6% do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, nhưng sang quý IV/2021 đã đạt mức tăng 5,22%, như vậy việc phục hồi đã rất tốt.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Sang đầu năm 2022, giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng, đặc biệt khi bùng phát xung đột Nga - Ukraine, giá xăng dầu tăng rất mạnh lên một nấc mới trong 6 tháng đầu năm 2022. Bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so cùng kỳ năm trước. Trong thời gian này, liên Bộ tiếp tục xả Quỹ bình ổn giá trong tháng 1 - 2/2022, sau đó quỹ âm, từ đó giá xăng dầu trong nước cũng nóng lên theo giá thế giới. Do vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu, làm giá xăng dầu giảm nhẹ so với mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất với Quốc hội giảm đến mức tối đa thuế bảo vệ môi trường để hạ giá xăng dầu. Đến thời điểm hiện nay, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu ở Việt Nam rất thấp. Theo tính toán, với thuế bảo vệ môi trường đang được giảm về mức sàn, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19,39% đối với xăng E5 RON92 và 21,95% đối với xăng RON95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel.

Theo tôi, không nên giảm thuế một cách tràn lan mà nên hỗ trợ theo ngành nghề và đối tượng. Tức là Nhà nước vẫn thu bình thường, vì mức thuế của nước ta rất thấp và giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn các nước xung quanh, nếu vẫn giảm thuế sẽ tiếp tục làm giá xăng dầu thấp hơn. Chính điều này khiến buôn lậu xăng dầu sẽ bùng phát. Điều quan trọng hơn là cách hỗ trợ mang tính "hòa cả làng", người nào dùng càng nhiều xăng dầu lại được hỗ trợ càng nhiều thì không chuẩn. Rõ ràng, chúng ta đang muốn hỗ trợ ngành nào, hỗ trợ ai và hỗ trợ cái gì thì chúng ta tập trung vào đó mà hỗ trợ thì sẽ hợp lý hơn.

Thời gian gần đây, giá xăng dầu ở thị trường Singapore giảm. Chúng ta, từ đầu tháng 7 đến nay, qua 3 lần điều chỉnh giảm, xăng RON95 giảm hơn 6.800 đồng/lít; E5 RON92 hạ 6.230 đồng; dầu diesel là 5.160 đồng… Đây sẽ là cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế tốt hơn trong thời gian tới.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

PV: Mới đây, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10%. Đây có phải động thái tích cực của Bộ Tài chính trong việc thực hiện các giải pháp bình ổn giá, kìm chế lạm phát không, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Việc hạ thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống 10% là hợp lý. Hiện mức thuế nhập khẩu cắt giảm theo hiệp định thương mại (FTA) đối với dầu trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA với các nước ASEAN và FTA với Hàn Quốc đã được giảm về 0% nên kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN là không đáng kể. Vấn đề quan trọng là thuế đối với xăng theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc chỉ có 8%. Còn thuế đối với xăng trong khối ASEAN theo lộ trình đến năm 2023 còn 5%, đến 2024 là 0%.

Như vậy, việc giảm thuế MFN 10% với các quốc gia còn lại cho thấy sự quan tâm của Chính phủ. Việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá kể cả chấp nhận thuế cao hơn trong trường hợp khan hiếm. Ví như năm trước, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn thông báo tháng sau không thể cung cấp được xăng dầu thì doanh nghiệp phải có chuyển hóa để đảm bảo nguồn cung.

Đây có thể nói là động thái tích cực của Bộ Tài chính trong việc góp phần hạ giá xăng dầu và đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường xăng dầu trên cơ sở đáp ứng được các yêu cầu của nền kinh tế.

PV: Ngoài những giải pháp đã áp dụng trong thời gian qua, cần thêm những giải pháp nào để điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt và hiệu quả, nhằm giảm bớt cú sốc tăng giá xăng dầu vào nền kinh tế, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, giá xăng dầu từ nay đến cuối năm biến động ở mức 100 - 120 USD/thùng. Lý do nguồn cung thế giới vẫn ổn, khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra. Các quốc gia trên thế giới và nhà đầu tư, kinh doanh xăng dầu rất lo, gần như cả thế giới cấm vận Nga, nếu Nga không bán xăng dầu sẽ thiếu nguồn cung khi là nước xuất khẩu xăng dầu lớn. Nhưng đến nay, qua hơn 4 tháng xảy ra chiến sự, Nga vẫn khai thác xăng dầu và bán nhiều hơn, chủ yếu bán cho Trung Quốc, Ấn Độ, Ả-rập Xê-Út… mức ưu đãi xuất khẩu xăng dầu của Nga hiện giờ khoảng 75 - 80 USD/thùng.

Bên cạnh đó, nguồn cung thời gian tới có thể tăng thêm khi Iran được Hoa Kỳ nới lỏng trong việc xuất khẩu dầu. Nhìn chung các nền kinh tế trên thế giới đều tăng trưởng chậm lại, kể cả Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, cho nên nhu cầu xăng dầu giảm đi. Vì thế, cầu giảm và cung vẫn tăng thì giá xăng dầu sẽ ổn định hơn. Dự báo từ nay đến cuối năm giá xăng khoảng 120 - 140 USD/thùng, giá dầu 100 - 120 USD/thùng và giá chỉ ở mức như hiện nay và có thể thấp hơn. Do vậy, không quá lo ngại giá xăng dầu tác động đến sản xuất. Vấn đề quan trọng nhất là làm giá xăng dầu đã hạ rồi thì có thể hạ lâu dài và giá hàng hóa trong thời gian qua đã tăng sẽ giảm về mốc bình thường.

Đặc biệt, giá nhiều mặt hàng chủ yếu như giá thịt lợn được quản lý chặt chẽ, những mặt hàng đó làm mẫu khi có tác động lớn đến kinh tế sẽ giảm xuống, thì các mặt hàng khác sẽ giảm theo, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và mức độ lạm phát sẽ nằm trong giới hạn.

Cùng với đó, việc thu hồi tiền từ thị trường, bình ổn và nâng cao giá trị đồng Việt Nam với các đồng tiền mạnh, đặc biệt là đồng USD để ổn định vĩ mô. Trong đó, một phần có liên quan đến điều hành của Bộ Tài chính, khi năm nay Chính phủ cho phép phát hành 400 nghìn tỷ đồng trái phiếu để đảm bảo chi tiêu công và yêu cầu của Chính phủ. Do vậy, việc phát hành vào thời điểm nào, như thế nào, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ra sao để có lượng trái phiếu phát ra thị trường lớn, nhưng lượng tiền đưa ra thị trường vừa phải, việc đó dẫn đến việc tỷ giá giữa VND với USD ổn định, nếu cân đối vĩ mô cho nền kinh tế ổn thì lạm phát sẽ ổn định.

Các nhà điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ phải rất nhạy cảm, linh hoạt, chủ động, có tính dự báo cao, từ đó có những điều hành phù hợp để ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần làm cho nền kinh tế phát triển, tăng trưởng hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Để linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu những tháng cuối năm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, quan trọng phải đảm bảo nguồn cung, đừng để xảy ra thiếu hụt nguồn cung như thời gian trước đây. Thứ hai, theo dõi giá cả thế giới để có chính sách phù hợp trong giai đoạn hiện nay, như mốc giá dầu ở ngưỡng 90 - 110 USD/thùng, xăng ở mức 120 - 140 USD/thùng. Như vậy, giá ổn định thì trích lập quỹ bình ổn để dự phòng những trường hợp phát sinh cú sốc bất chợt.

Sau một thời gian khi quỹ bình ổn tương đối lớn, thì liên bộ lại có thể nới ra ít để giá xăng dầu giảm xuống chút nữa. Tất nhiên, cũng phải có kịch bản đa dạng, ví như Nga không xuất khẩu nữa hoặc giảm nguồn cung, phải có cả kịch bản giá dầu tăng lên 140 - 150 USD/thùng. Điều quan trọng nhất là làm sao cho thị trường và người dân hiểu được rằng, giá xăng dầu là tăng theo giá thế giới, thuế xăng dầu của Nhà nước là thấp, nếu Chính phủ hỗ trợ thì đã hỗ trợ rồi, còn nếu giá dầu tăng lên ngưỡng 140 - 150 USD/thùng thì cần thiết hỗ trợ ngành nghề, để hỗ trợ đúng người, đúng việc, đúng mục tiêu chứ không hỗ trợ tràn lan.