Novaland đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất
Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland

Doanh thu cuối năm 2022 đạt 251.000 tỷ đồng

Kết thúc năm tài chính 2022 với nhiều thử thách, Tập đoàn Novaland ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất gần 11.151 tỷ đồng, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt hơn 30% mục tiêu đề ra và gần 2.182 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2021 và chỉ đạt hơn 33% mục tiêu đề ra.

Tổng doanh thu hợp nhất bao gồm doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ. Tại thời điểm cuối 2022, tổng tài sản của Novaland đạt gần 258.000 tỷ đồng, tăng gần 28% so với đầu năm, chủ yếu tăng ở tồn kho và phải thu ngắn hạn.

Đối với các hoạt động sẻ chia cộng đồng hướng đến phát triển bền vững, dù nhiều khó khăn, trong năm 2022, Novaland đã nỗ lực thực hiện hơn 80 hoạt động thông qua các lĩnh vực giáo dục, sức khỏe, an sinh xã hội và phát triển cộng đồng với tổng kinh phí tài trợ trên 50 tỷ đồng.

Đối với kế hoạch năm 2023, Novaland trình Đại hội mục tiêu doanh thu 9.531 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 214 tỷ đồng.

Đại diện Novaland cho biết, chỉ tiêu này có phần thận trọng khi thị trường diễn biến không thuận lợi. Trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức.

Từ cuối năm 2022, Novaland đã phối hợp với các đối tác chuyên nghiệp, uy tín, các chuyên gia trong nước và các đơn vị tư vấn hàng đầu như YKVN, Deloitte, E&Y Parthenon, KPMG…để nỗ lực thực hiện tái cấu trúc toàn diện với những kế hoạch cụ thể, giãn hoãn, bán tài sản giảm nợ, chuyển nợ thành cổ phần, thành tài sản, kiểm soát nguồn tiền…

Đáng chú ý, tính đến ngày 31/12/2022, doanh thu chưa ghi nhận của Novaland đạt hơn 251.000 tỷ đồng đến từ các dự án đã bàn giao, đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý và các dự án Novaland đang là chủ đầu tư và đang hợp tác phát triển.

Thông tin làm nóng tại Đại hội đồng cổ đông là việc Novaland công bố dư nợ hợp nhất của tập đoàn tại ngày 31/3/2023 đã giảm 9.000 tỉ đồng so thời điểm 30/9/2022.

Sắp tới, giai đoạn 2024 - 2025, tập đoàn dự kiến triển khai thêm 2 dự án bất động sản đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và 1 dự án đô thị vệ tinh lân cận TP. Hồ Chí Minh.

Novaland đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất
Ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng giám đốc Novaland trình bày báo cáo Ban TGĐ tại Đại hội

Tái khởi động nhiều dự án trong quý II/2023

Tại Đại hội đồng cổ đông 2023, phía Novaland cho biết, chiến lược của tập đoàn trong giai đoạn 2024 -2025 cũng đề ra những kế hoạch cụ thể về hoạt động phát triển xây dựng dự án, sắp xếp lại ưu tiên cho những công trình sắp hoàn thiện để tiếp tục bàn giao sản phẩm cho khách hàng; chọn những dự án tốt có khả năng thanh khoản cao, đẩy nhanh các bước hoàn thiện pháp lý để kịp thời đáp ứng khi thị trường hồi phục.

Ngoài ra, Novaland đang tiếp tục rà soát các quỹ đất, thoái vốn các quỹ đất chưa được ưu tiên phát triển để giảm nợ và thương lượng, đàm phán thu xếp vốn cổ đông cho các dự án sẽ phát triển trong thời gian tới.

Trong quý II/2023, các Dự án trung tâm TP.HCM như The Grand Manhattan (Q.1), Victoria Village (TP. Thủ Đức) cùng các đại đô thị NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City cũng được tái khởi động dưới sự hỗ trợ của các Đối tác tài chính lớn như ngân hàng TPBank, ngân hàng MBBank… và các nhà thầu, đơn vị xây dựng giàu kinh nghiệm.

Đại diện Novaland khẳng định, đối với những dự án, phân khu khác, các ngân hàng cũng đang khảo sát, xem xét để tài trợ cấp vốn triển khai cuốn chiếu trong thời gian tới.

Năm 2023, chiến lược phát triển bền vững sẽ là nền tảng cho việc tái cấu trúc và là định hướng cho Novaland trong những năm tiếp theo. Trong đó, ba trụ cột về Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) với chiến lược và hành động được tư vấn bởi DEG sẽ là trọng tâm cho mọi hoạt động của tập đoàn nhằm tối đa giá trị vốn hóa, đảm bảo bền vững và hài hòa lợi ích cho các khách hàng, cổ đông, nhà đầu tư, cộng đồng…

Novaland cũng sẽ đảm bảo triển khai các chiến lược và mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thay đổi cơ cấu và thành lập các ủy ban trực thuộc Hội đồng quản trị như ủy ban kiểm toán, ủy ban ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) – Quản trị rủi ro – Quản trị chiến lược, ủy ban nhân sự và lương thưởng.

Các ủy ban này hoạt động theo cơ chế chuyên trách, độc lập và có quyền biểu quyết đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ của ủy ban, thực hiện nhiệm vụ tham vấn cho Hội đồng quản trị trên cơ sở các tư vấn điều hành của những chuyên gia hàng đầu giàu kinh nghiệm cùng nhiều quản lý cấp cao từng làm việc tại các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, giúp Novaland hoạt động hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế phù hợp trong giai đoạn mới.

“Bên cạnh quyết tâm của Ban điều hành và nỗ lực của tập thể, sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và cộng đồng đối với thị trường bất động sản thời gian qua sẽ là động lực giúp Novaland sớm hồi phục, vượt qua khó khăn và thách thức. Từ đó, tiếp tục hoàn thành những đô thị chuẩn mực, góp phần thay đổi diện mạo và phát triển kinh tế địa phương, an sinh xã hội”, đại diện Novaland cho hay.