Liên tiếp 8 mặt hàng bị kiện CBPG

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, hàng hóa xuất khẩu của nước ta đã liên tiếp bị các nước kiện CBPG. Trong tháng 3, có hai sản phẩm đá granite và ống thép hàn không gỉ cán nguội bị Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG. Trong tháng 4, mặt hàng sợi polyester bị Thổ Nhĩ Kỳ điều tra.

Trong tháng 5, tiếp tục có tới 4 sản phẩm bị kiện, đó là thép cuộn sơn phủ màu bị Malaysia kiện, sản phẩm bộ đồ ăn, đồ dùng nhà bếp bằng gốm sứ bị Thổ Nhĩ Kỳ kiện, ống thép dẫn dầu bị Canada tái điều tra, gỗ dán bị Thổ Nhĩ kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG. Gần đây nhất, ngày 5/6, Ấn Độ thông báo khởi xướng điều tra CBPG mặt hàng gỗ tấm MDF của nước ta.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với 12 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, bao gồm: thủy sản, chất dẻo, cao su, giấy, sợi, may mặc, giày dép, thép, máy móc, linh kiện điện tử, thiết bị điện và nội thất.

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, trên thế giới hiện nay, các vụ kiện về chống bán phá giá ngày càng phổ biến và phức tạp hơn. Khi hội nhập sâu và xuất khẩu nhiều thì tất yếu Việt Nam cũng không thể tránh được điều này.

Ngoài ra, trên thực tế cho thấy, các vụ kiện gần đây có các đặc điểm nổi trội như hiệu ứng dây chuyền, tức là khi một mặt hàng bị kiện tại một quốc gia thì ngay lập tức các quốc gia khác cũng tiến hành kiện mặt hàng đó.

Đặc biệt, thời gian áp thuế gần như vô thời hạn do liên tục gia hạn, khó kết thúc và gây thiệt hại lớn cho DN. Bên cạnh đó, trước đây, chúng ta chỉ thấy các vụ kiện xảy ra với các DN lớn, tuy nhiên hiện nay kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng “dính”.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, chúng ta có rất nhiều mặt hàng xuất khẩu đang có lợi thế cạnh tranh vượt trội và chiếm thị phần lớn tại các thị trường tiềm năng như Mỹ, EU… nhưng đi cùng với thuận lợi đó là nguy cơ bị kiện CBPG. Do đó, DN Việt không thể lơ là và chủ quan mà cần chủ động để ứng phó với nguy cơ bị kiện.

“Khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên và lượng nhập khẩu tăng lên thì tất yếu sẽ dẫn đến việc các nước nhập khẩu sẽ sử dụng các biện pháp bảo hộ cho hàng hóa nội địa của mình, các hàng rào kỹ thuật sẽ được siết chặt hơn, tăng cường hơn các biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó, song song với việc mở rộng thị phần xuất khẩu thì trong chiến lược của mình, DN phải tính đến cả các biện pháp ứng phó nhanh nhất với các vụ kiện thương mại”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khuyến cáo.

kien chong ban pha gia

Thép hiện là mặt hàng Việt bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất. Ảnh: TL

Cần sử dụng hệ thống cảnh báo sớm

Tuy những vụ kiện cáo thương mại, chống bán phá giá trên thị trường thế giới là hết sức bình thường nhưng nếu cứ liên tục để xảy ra chắc chắn sẽ gây thiệt hại nặng nề cho DN về chi phí, thời gian, thị phần tại thị trường xuất khẩu. Chính vì vậy, theo Cục Quản lý cạnh tranh, DN cần sử dụng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá để hạn chế thiệt hại do các vụ kiện này gây ra từ các nước nhập khẩu.

Cục Quản lý cạnh tranh cho biết đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với 12 mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhằm giúp DN nhận diện nguy cơ bị kiện tại một số thị trường chính. Đồng thời, hỗ trợ thông tin điều tra, rà soát và bổ sung dữ liệu nhập khẩu, thông tin thị trường, quy định pháp lý của thị trường xuất khẩu.

Vì thế, DN nên thông tin sớm đến các cơ quan nhà nước để được hỗ trợ trong quá trình cảnh báo sớm và quá trình kháng kiện. DN cũng cần chuẩn bị, chọn lựa cho mình một công ty luật có năng lực và tốt nhất là nên đấu thầu để có một mức giá hợp nhằm đồng hành với mình trong quá trình chống kiện.

Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội và các DN thành viên để cùng hỗ trợ, xây dựng và triển khai các chiến lược ứng phó hiệu quả, hạn chế tối đa những thiệt hại phải gánh chịu.

Song song với việc đó, DN cần liên hệ chặt chẽ và phối hợp với liên minh có cùng lợi ích với Việt Nam tại các nước nhập khẩu, từ nhà nhập khẩu cho đến người tiêu dùng của nước sở tại.

Đặc biệt, có một “mẹo” hay mà một số DN có kinh nghiệm thường áp dụng hiện nay, đó là nếu xuất khẩu vào nước nào thì nên ưu tiên nhập nguyên liệu đầu vào từ chính nước đó./.

Tố Uyên