Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel - mã Ck: VTR) dự kiến được tổ chức vào ngày 17/5 tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Kỳ vọng lãi gộp kỷ lục, áp lực tài chính từ hãng bay hạ nhiệt
Trong báo cáo về kết quả hoạt động năm 2024 và kế hoạch năm 2025, Tổng Giám đốc Trần Đoàn Thế Duy cho biết, Vietravel hướng đến mục tiêu mở rộng thị phần nội địa, tăng mạnh doanh thu inbound (quốc tế đến) và phát triển kênh bán online.
Mục tiêu doanh thu kỷ lục trên 9.500 tỷ đồng, lãi thận trọng Năm 2025, Vietravel đặt mục tiêu đạt mức đỉnh cao về doanh thu thuần khi tăng 42%, ước đạt 9.549 tỷ đồng (tương đương 400 triệu USD) nhờ vào việc khôi phục toàn diện hoạt động lữ hành, mở rộng dịch vụ bán vé máy bay và phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ mới. Vietravel cũng đặt kỳ vọng lãi gộp kỷ lục 813 tỷ đồng, cải thiện biên lợi nhuận nhờ việc tăng tỷ trọng các sản phẩm có hiệu suất cao và tối ưu giá vốn, song chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra khá khiêm tốn 50 tỷ đồng, giảm 11% cùng kỳ. |
Năm 2025, Vietravel kỳ vọng sẽ phục vụ hơn 1,18 triệu lượt khách trong năm 2025, tăng 31% so với năm trước. Trong đó, khách nội địa và outbound (khách Việt đi nước ngoài) ước đạt 950.000 lượt; khách quốc tế đến Việt Nam với khoảng 233.000 lượt, phản ánh trọng tâm mở rộng thị trường quốc tế.
Công ty cũng đặt mục tiêu doanh thu từ kênh bán hàng online chiếm 12 - 15% trong cơ cấu khách lẻ và khách inbound; đồng thời, doanh thu từ thị trường khách quốc tế (khách inbound và hoạt động chi nhánh nước ngoài) chiếm ít nhất 10% tổng doanh thu, tăng gấp đôi so với tỷ trọng hiện tại (5% năm 2024).
Về kết quả kinh doanh quý I/2025, Vietravel ghi nhận doanh thu đạt 1.294,4 tỷ đồng, tăng 8,16% cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 8,4 tỷ đồng, giảm mạnh 47,5% so với cùng kỳ. Theo lý giải từ phía công ty, nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm chủ yếu đến từ việc giá vốn tăng 7,88%; chi phí bán hàng tăng 29,68%; chi phí lãi vay tăng tới 34,74%.
![]() |
Đồ hoạ: Ánh Tuyết. |
Cũng theo lãnh đạo công ty, năm 2025, áp lực tài chính do đầu tư Hãng hàng không Vietravel Airlines dự kiến giảm đáng kể do hãng bay dần đi vào ổn định, kế hoạch tham gia vốn của các nhà đầu tư... Do đó, công ty sẽ tập trung nguồn lực tài chính cho hệ thống sản phẩm dịch vụ lữ hành. Đồng thời, Vietravel cũng phấn đấu giảm nợ vay, tận dụng dòng tiền tăng thêm để trả nợ và giảm chi phí lãi vay.
Vietravel tăng tốc với kế hoạch tăng vốn và tái định vị thương hiệu
Các mục tiêu trên được đặt trong bối cảnh năm 2025, ngành du lịch thế giới dự kiến tiếp tục đà phục hồi, nhưng đồng thời xuất hiện một số yếu tố mới. Toàn ngành dự kiến tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu du lịch duy trì ở mức cao, tuy nhiên, cần thích ứng với biến động kinh tế và hành vi tiêu dùng trong kỷ nguyên mới.
Dự kiến nhiều quốc gia tiếp tục mở cửa visa tối đa để hút khách thông qua chính sách mở rộng danh sách miễn visa, cấp e-visa nhanh. Cùng với đó, đường bay quốc tế tăng tần suất và mở mới, đặc biệt tại châu Á, tạo thuận lợi cho luồng khách. Khu vực ASEAN cũng đẩy mạnh liên kết du lịch nội khối, kỳ vọng lượng khách xuyên biên giới tăng trưởng mạnh nhờ cơ sở hạ tầng và chính sách visa chung thuận lợi.
"Với việc nhiều nước khôi phục chính sách visa thuận lợi và các hãng bay mở đường bay thẳng, dự kiến lượng khách Việt du lịch nước ngoài sẽ tiếp tục tăng ở mức hai con số trong 2025. Khách tập trung vào các điểm đến quen thuộc trong khu vực châu Á do dễ đi, chi phí hợp lý" - lãnh đạo Vietravel đánh giá.
![]() |
Vietravel kỳ vọng đón sóng du lịch phục hồi, đưa doanh thu “vượt đỉnh”. Ảnh: T.L. |
Tại Việt Nam, trên cơ sở kết quả 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2025. Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam phấn đấu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế năm 2025, tăng 30% so với 2024, lần đầu vượt mốc năm 2019; khách nội địa dự kiến đạt 115 triệu lượt, tăng 5% so với 2024). Tổng thu từ khách du lịch năm 2025 kỳ vọng xấp xỉ 1.000 nghìn tỷ đồng, khoảng 40 tỷ USD, nhờ đóng góp lớn từ cả quốc tế lẫn nội địa.
Một nội dung quan trọng khác được đề cập tại đại hội là kế hoạch phát hành hơn 40 triệu cổ phiếu mới, nhằm tăng vốn điều lệ lên hơn 693 tỷ đồng. Dù kế hoạch này đã được thông qua từ đại hội năm trước, song do vướng mắc về thủ tục pháp lý, quá trình triển khai đến nay mới được tiếp tục. |
Cụ thể, Hội đồng Quản trị trình phương án thực hiện ba đợt phát hành. Một là, gần 28,7 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu; hai là, 8,6 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu; ba là, phát hành 2,9 triệu cổ phiếu ESOP dành cho người lao động. Toàn bộ nguồn vốn thu được sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động và thanh toán nợ vay.
Sau yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc cập nhật báo cáo tài chính quý I/2025, Vietravel đã hoàn tất hồ sơ bổ sung và dự kiến triển khai đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong khoảng tháng 5 - 7/2025. Các đợt còn lại sẽ được thực hiện sau đó, vào quý III năm nay.
Về cổ tức, trong tờ trình thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024, kế hoạch trả cổ tức năm 2025, Vietravel dự kiến chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cổ phiếu), thực hiện trong quý II hoặc quý III/2025. Tuy nhiên, với năm 2025, mức chia cổ tức dự kiến giảm một nửa, chỉ còn 5%.
Ngoài ra, tại đại hội, ban lãnh đạo Vietravel cũng trình cổ đông thông qua phương án đổi tên công ty thành “Công ty Cổ phần Du lịch Vietravel”, thay cho tên hiện tại là “Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel”./.