![]() |
Giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu. Ảnh minh họa |
Ngày 6/5, Quốc hội đã nghe các báo cáo và thảo luận về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST).
Quản lý kết quả, không quản lý cách làm
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, việc xây dựng luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH,CN&ĐMST để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Dự thảo Luật chỉ còn quy định 6 thủ tục hành chínhDự thảo Luật KH,CN&ĐMST đã bỏ 9/11 thủ tục hành chính được quy định tại Luật khoa học và công nghệ năm 2013. Do dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh sang lĩnh vực đổi mới sáng tạo nên đã bổ sung 4 thủ tục hành chính để quản lý các đối tượng mới và công nhận để tạo điều kiện cho các tổ chức được hưởng các ưu đãi của pháp luật về thuế và đầu tư. Hiện tại, dự thảo Luật chỉ còn quy định 6 thủ tục hành chính. |
Để thực hiện mục tiêu này, dự thảo đã mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài công lập. Trong đó, doanh nghiệp làm trung tâm, các đại học và viện nghiên cứu là các chủ thể hỗ trợ. Đồng thời, dự thảo Luật đã chính thức hóa những cơ chế tháo gỡ điểm nghẽn trong Nghị quyết số 193/2025/QH15 thành quy định lâu dài trong luật.
Với tinh thần đó, dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động KH,CN&ĐMST.
Về đầu tư, tài chính phục vụ KH,CN&ĐMST, điểm quan trọng nhất là thay đổi triết lý theo hướng phải đánh giá kết quả, hiệu quả cuối cùng của hoạt động KH,CN&ĐMST làm cơ sở để nhà nước phân bổ nguồn lực.
Nhà nước sẽ đầu tư nguồn lực KH,CN&ĐMST cho chủ thể, hoạt động có tác động chính đến tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Cơ chế cấp kinh phí cho nhiệm vụ KH,CN&ĐMST được thông thoáng hơn qua cơ chế quỹ gắn với hậu kiểm. NSNN hỗ trợ một phần cộng với các biện pháp khuyến khích, ưu đãi để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho KH,CN&ĐMST.
Theo đó, dự thảo quy định theo hướng cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi.
Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm. Sự thông thoáng này, theo cơ quan soạn thảo, sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Thêm vào đó, nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Mặc dù, rủi ro được chấp nhận ở từng nhiệm vụ, từng dự án cụ thể nhưng hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể của tổ chức đó và chương trình nghiên cứu. Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực, thậm chí giải thể.
Chấp nhận rủi ro nhưng tránh lạm dụng chính sách
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết của ban hành Luật mới. Theo đại biểu Bế Minh Nghĩa (đoàn Cao Bằng), Luật Khoa học, công nghệ năm 2013 có rất nhiều bất cập. Các quy định hiện hành về phát triển KH, CN hiện nay chưa đủ sức làm nền tảng đưa đất nước đạt được các mục tiêu lớn mang tính đột phá mà Đảng, Nhà nước đề ra.
Nếu không có một cơ chế, chính sách đột phá về KH,CN & ĐMST thì chúng ta sẽ không thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 cũng như mục tiêu của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, và đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nhất trí cao quy định về chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH,CN & ĐMST, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, đây là quy định thật sự cần thiết. Bởi lẽ, đổi mới sáng tạo luôn đi kèm với rủi ro rất cao, nhưng đây cũng là động lực quan trọng để thúc đẩy đột phá và phát triển. “Nếu không chấp nhận rủi ro thì các tổ chức, cá nhân sẽ rất e ngại dấn thân vào nghiên cứu sáng tạo, từ đó sẽ dẫn đến trì trệ, tụt hậu, làm chậm phát triển địa phương, phát triển đất nước”, đại biểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để tránh lạm dụng chính sách, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu, xây dựng các quy định chặt chẽ, đảm bảo cân bằng giữa khuyến khích sáng tạo và trách nhiệm xã hội với các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án KH,CN & ĐMST.
Về vấn đề tài chính, một số ý kiến cho rằng cần có quy định cụ thể, khả thi để thu hút, khơi thông nguồn vốn đầu tư từ xã hội, cộng đồng, khu vực tư nhân và hợp tác đối tác công - tư trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST; hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ mạnh mẽ cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Cần có quy định phân cấp quản lý tài chính khoa học và công nghệ phù hợp, có cơ chế phối hợp vùng, địa phương; quy định phù hợp trong việc khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm KH,CN&ĐMST mà trong nước đáp ứng được.
Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của một số quy định về tài chính cho KH,CN&ĐMST.
Trong đó có quy định về khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc từng phần, hoạt động của các quỹ, cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với sản phẩm KH,CN & ĐMST trong nước; về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát quản lý kết quả nhiệm vụ, xử lý tài sản và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp… bảo đảm khi Luật được ban hành sẽ “khơi thông”, tháo gỡ các “rào cản”, “điểm nghẽn”, tạo động lực cho sự phát triển.
Lần đầu tiên đưa đổi mới sáng tạo ngang với khoa học, công nghệTại dự thảo Luật KH,CN&ĐMST, lần đầu tiên, nội dung đổi mới sáng tạo (ĐMST) được đưa vào và đứng ngang với khoa học và công nghệ. Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động ĐMST, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm. Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, dự thảo Luật đã dành riêng Chương IV với nhiều chính sách nhằm khuyến khích, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động KH,CN&ĐMST, doanh nghiệp được trích lập nhiều hơn cho Quỹ Phát triển KH,CN&ĐMST của mình, được chi cho các hoạt động đầu tư vào KH,CN&ĐMST, được tính chi phí khấu trừ thuế (kể cả các dự án khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo). Tại báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và Tài chính thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về tên gọi Luật vì KH,CN&ĐMST có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. khoa học và công nghệ là nền tảng cho ĐMST. Ngược lại ĐMST thúc đẩy phát triển KH, CN hướng đến các nhu cầu thực tiễn. Cả KH,CN&ĐMST đều tạo ra giá trị mới, đều cần đầu tư nguồn lực. Tuy nhiên, giữa KH,CN&ĐMST có sự khác biệt bởi về bản chất, khoa học và công nghệ tập trung vào phát hiện, tạo tri thức mới, ĐMST tập trung sử dụng, khai thác tri thức để tạo ra các giá trị mới, thoát khỏi các tư duy, lối mòn cũ, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Dương An |