[Giảm trừ rác thải nhựa, túi nilon để bảo vệ môi trường] Bài 1: Hậu quả từ lối sống “nhanh, tiện” - Ảnh 1
Dịch vụ giao hàng hóa, đồ ăn uống khiến cho lượng rác thải nhựa, túi nilon gia tăng mạnh.

Thờ ơ với những hộp, gói đồ nhựa xả thải

Những ngày này, từ gia đình, đến công sở … không khó để nhận thấy hình ảnh các bà, các mẹ, nam thanh, nữ tú với lỉnh kỉnh những gói hàng hóa, đồ ăn, thậm chí đôi khi chỉ mớ rau cũng được Ship … tận “chân công trình”. Sự tiện lợi từ dịch vụ gọi hàng nhanh thì khỏi phải nói và đó là lý do tại sao việc mua bán trực tuyến, mua hàng online… lại ngày càng được “lên ngôi”.

Tuy nhiên, đằng sau những gói hàng tiên lợi là cơ man túi ni-lông, chai lọ, cốc nhựa... với đủ các kích cỡ, màu sắc được chất ngổn ngang từ thùng rác trong nhà đến ngoài bãi rác.

Tác hại từ những chiếc túi, chai, lọ cốc nhựa tiện lợi, dễ dùng đã được các nhà khoa học nghiên cứu đề cập, chứng minh nhiều; những hố chôn rác mà các loại phế thải khác đã phân huỷ hết từ lâu, nhưng túi ni-lông, chai, lọ, cốc nhựa … vẫn không phân hủy cũng chỉ ra điều đó.

Thực tế cũng rất ít người không hiểu tác hại của những chiếc túi ni-lông, chai, lọ nhựa đối với tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng vì sự tiện lợi cho bản thân, gia đình mà thờ ơ, tặc lưỡi cho qua.

Những con số biết nói

Báo cáo của mới nhất Liên hợp quốc cho biết, mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi ni-lông dùng một lần được sử dụng.

Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người.

Còn theo công bố của Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy, 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút… Trong số đó, 70-80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền, chủ yếu là do các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp ven biển xả thẳng ra sông, ra biển, không qua xử lý.

Các chuyên gia ước tính đến năm 2050, trên thế giới sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất và một phần lớn trong số đó sẽ kết thúc ở các đại dương nơi mà chúng sẽ trôi nổi trong nhiều thế kỷ. Theo một kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và công ty tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương.

Tại Việt Nam, Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Việt Nam hiện nằm trong 4 quốc gia có lượng phế phẩm nhựa thải ra môi trường nhiều nhất thế giới, ước tính hơn 1,8 triệu tấn mỗi năm.

Việt Nam còn là 1 trong 5 nước có lượng rác thải nhựa đổ ra biển nhiều nhất thế giới, lên đến 0,73 triệu tấn mỗi năm. Nếu như không có hành động cụ thể, thiết thực nào để ngăn chặn tình trạng này, đến năm 2050, biển Việt Nam có nguy cơ chứa nhiều rác thải nhựa hơn sinh vật biển.

Chú thích ảnh
Những con tàu màu xanh, hình ảnh vô cùng đẹp, hình ảnh biểu tượng về sức sống của những ngư dân ven biển, nhưng giờ đây, bớt lãng mạn hơn khi xung quanh toàn rác.

Càng mua sắm trực tuyến, càng ô nhiễm môi trường

Đó là kết luận mới được đăng trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng lượng khí thải nhà kính phát sinh từ việc mua sắm tại các cửa hàng truyền thống ít hơn so với việc mua hàng từ một doanh nghiệp chỉ bán trên internet.

Để phân tích về vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào một phần của chuỗi cung ứng bán lẻ gọi là giao hàng “chặng cuối”, khoảng cách giữa cửa hàng với khách hàng hoặc khoảng cách giữa trung tâm phân phối hàng hóa đến khách hàng.

Kết quả phân tích lượng khí thải các bon trong công đoạn “giao hàng chặng cuối” của 3 loại kênh mua sắm phổ biến nhất ở Vương quốc Anh và Mỹ gồm mua sắm trực tiếp tại cửa hàng; hình thức đặt hàng trực tuyến và cửa hàng truyền thống sẽ tiến hành giao hàng và chỉ tập trung vào mảng bán hàng trực tuyến, cho thấy lượng khí nhà kính trên mỗi mặt hàng được mua trực tiếp tại các cửa hàng cao hơn hình thức đặt hàng trực tuyến và cửa hàng truyền thống sẽ tiến hành giao hàng, nhưng lại thấp hơn hình thức chỉ tập trung vào mảng bán hàng trực tuyến.

Lý giải kết quả này, chuyên gia Sadegh Shahmohammadi, nghiên cứu sinh tiến sĩ Khoa học Môi trường tại Đại học Radboud, Hà Lan phân tích, lý do chính nằm ở cách thức mua sắm. Khi đi mua sắm trong một cửa hàng, mọi người thường mua các món hàng tiêu dùng trong một giao dịch với số lượng lớn vì phụ thuộc vào việc các cửa hàng tại nơi sinh sống.

Tuy nhiên, khi tiến hành mua sắm trực tuyến, người dùng có xu hướng tiến hành giao dịch do nhu cầu đặt mua hàng hóa ở nhiều cửa hàng hoặc chia thành nhiều thời điểm khác nhau. Điều này vô hình dung tạo ra nhiều chất thải như bao bì, thùng nhựa, túi ni lông ra môi trường.

Cùng với đó, nhiều đơn hàng được vận chuyển đồng nghĩa với nhiều xe giao hàng phải di chuyển trên đường, điều này lại đồng nghĩa với khả năng tăng kẹt xe, tăng tiếng ồn và tăng ô nhiễm.

Như vậy, món hàng được mua qua mạng dù được vận chuyển miễn phí hay không nhưng thật ra chúng mang một chi phí vô hình: tác hại môi trường!