Chú thích ảnh
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị ở Hà Bắc, Trung Quốc.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 18 tháng vào tháng 3/2023 và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu lạm phát này đã làm gia tăng những lo ngại về nhu cầu suy yếu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong tháng 3/2023 đã tăng nhiều hơn dự kiến 10,6% so với 1 năm trước.

Zou Lan, giám đốc chính sách tiền tệ của PBoC cho biết khi tác dụng của các biện pháp hỗ trợ tài chính trở nên rõ ràng hơn, nhu cầu của người tiêu dùng có hy vọng sẽ phục hồi hơn nữa và trong nửa cuối năm nay, giá cả có thể dần phục hồi về mức trung bình của những năm trước.

Ông Zou cho biết thêm trong cả năm 2023, CPI sẽ biến thiên theo đồ thị hình chữ U. Trung Quốc đã đặt mục tiêu CPI khoảng 3% trong năm nay. Trong trung và dài hạn, nền kinh tế Trung Quốc không có dấu hiệu cho thấy xu hướng lạm phát hoặc giảm phát sẽ xảy ra, nguyên nhân có thể do cung và cầu trong nền kinh tế Trung Quốc cân bằng và chính sách tiền tệ là “hợp lý”.

PBoC đã giữ chính sách tiền tệ tương đối lỏng so với chính sách tăng lãi suất mạnh để giải quyết lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong tương lai, ông Zou cho biết chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ “có mục tiêu và hiệu quả” để hỗ trợ “tăng trưởng ổn định”. Ông Zou cũng ghi nhận những dấu hiệu đáng khích lệ trong lĩnh vực bất động sản, đồng thời cảnh báo về tình trạng đầu cơ trong ngành này.

Ông cũng đề cập đến sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) như là một điểm đáng chú ý đối với rủi ro lãi suất. Trong bối cảnh đó, ông cho biết chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ vẫn “ổn định”.