PV: Thưa ông, ở góc độ là cơ quan thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi), ông có nhận xét gì về dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội lần này?

Phải có quy định về quỹ bình ổn giá để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm: Luật Giá đã thực hiện hơn 9 năm qua, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, đến nay luật đã phát sinh tồn tại, hạn chế, cho nên cần thiết phải sửa. Lần sửa luật này, tôi cho rằng, điều quan trọng là phải làm rõ, tránh chồng chéo trong quy định về quản lý giá giữa Luật Giá với các các luật chuyên ngành. Các bộ, ngành có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá của ngành mình, nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại luật này.

Cơ quan soạn thảo đã cơ bản bao quát được các vấn đề đặt ra hiện nay và đưa vào nội dung sửa đổi của luật. Mục tiêu cao nhất là phải thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước. Luật Giá (sửa đổi) phải quy định đúng đắn, hợp lý về vai trò quản lý nhà nước; xác định rõ ranh giới, mức độ, phạm vi, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường; khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường, nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Giá (sửa đổi) phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng vẫn phải hạn chế can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.

PV: Thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này, khi cho rằng có thể giao cho Chính phủ, hoặc là giữ nguyên như hiện hành. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm: Tôi là đại diện cho cơ quan thẩm tra nên ở góc độ này tôi cho rằng, nên giữ nguyên như quy định hiện hành. Bởi vì trên thực tế, những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền của công dân, tổ chức thì phải quy định trong luật; muốn sửa quy định thì phải sửa luật, do Quốc hội quyết định. Nếu Quốc hội ủy quyền thì nên ở 1 cấp, nghĩa là Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp.

Quan điểm của Chính phủ khi trình dự thảo luật này cho rằng, giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết danh mục trên cơ sở các nguyên tắc được quy định tại luật, nhằm tăng cường sự linh hoạt trong thực tiễn triển khai. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng tháng đều họp, nên cũng có thể quyết định nhanh chóng, chứ không phải chờ đến các kỳ họp của Quốc hội. Cho nên, dưới góc độ cơ quan thẩm tra, chúng tôi cho rằng, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục là hợp lý.

Phải có quy định về quỹ bình ổn giá để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô

Trong 2 năm qua, Việt Nam rất thành công trong kiểm soát giá cả, kiểm soát lạm phát.

PV: Ông có ý kiến gì về việc giữ hay bỏ Quỹ Bình ổn giá, trong đó có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu?

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm: Đúng là hiện nay đã có 2 luồng ý kiến khác nhau, mỗi bên đều có căn cứ nhất định, nhưng phải xuất phát từ thực tiễn. Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn với nhau rằng, thời gian gần đây và đặc biệt trong 2 năm qua, Việt Nam rất thành công trong kiểm soát giá cả, kiểm soát lạm phát. Thành công của kiểm soát lạm phát của Việt Nam mà thế giới cũng phải ghi nhận có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do là chúng ta có công cụ để kiểm soát giá.

Dù hiện nay chúng ta, trước yêu cầu của thực tiễn, phải sửa đổi Luật Giá, nhưng hiệu quả của các công cụ bình ổn giá thực hiện theo Luật Giá đã được thể hiện rõ trong thực tiễn, với kết quả cụ thể được cả thế giới thừa nhận.

Giá xăng dầu được bình ổn, không bị điều chỉnh theo biên độ quá lớn theo giá thế giới. Bởi giá dầu thô thế giới có thời điểm tăng lên hơn 150 USD/thùng. Nếu để cho giá trong nước biến động theo giá thế giới, giá cả hàng hóa, dịch vụ phụ thuộc xăng dầu cũng biến động theo, gây bất ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát tăng cao. Chính vì có Quỹ Bình ổn mà giá xăng dầu và giá cả trong nước được ổn định tương đối như thời gian qua, khi thế giới đang bão giá. Thành công đó chúng ta phải thừa nhận và có nguyên nhân từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Quỹ đã và đang phát huy vai trò quan trọng để bình ổn giá cả thị trường nói riêng và kiểm soát lạm phát nói chung như thời gian qua.

Thành công như vậy thì không có lý gì lại bỏ đi. Nước ngoài cũng có công cụ mạnh mẽ phục vụ bình ổn giá, như kho dự trữ khi cần cung ứng ra, thì chúng ta cũng nên giữ quỹ. Hiện nay, quỹ đang phát huy hiệu quả thì tiếp tục giữ quỹ, khi nó mất vai trò, hiệu quả thì tự nó mất đi. Do đó, không nên đưa quy định này ra khỏi luật, để khi cần muốn dùng đến thì lại không có.

PV: Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội lần đầu tiên trình tại kỳ họp này để xem xét, cho ý kiến. Cơ quan soạn thảo đang tiếp thu ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện. Có vấn đề nào trong dự thảo luật ông còn “lăn tăn” không, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm: Sửa Luật Giá lần này tôi thấy phù hợp. Cơ quan soạn thảo đã bao quát được nhiều vấn đề được cho là “bịt lỗ hổng” trong luật hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần phải được cân nhắc, tính toán, cần làm rõ hơn, cụ thể hơn, để đưa thêm luận cứ cho sâu sắc, triệt để hơn.

Ví dụ như về hàng hóa có tính chất độc quyền, phạm vi tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội, cần làm rõ căn cứ, để đưa vào danh mục, cần phải được lượng hóa và làm rõ; không quy định chung chung, sau này dễ bị lạm dụng, tranh cãi trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hay như bình ổn giá sách giáo khoa (SGK), chúng ta đưa tiêu chí, tính chất độc quyền, tác động lớn để đưa SGK vào, nhưng hiện nay do khâu quản lý của chúng ta cũng chưa thực sự mạch lạc, rõ ràng. Sách có 2 yếu tố: bản quyền (nội dung) thì nó có yếu tố độc quyền; còn việc in ấn phát hành không đòi hỏi độc quyền. Như vậy, nếu gắn 1 yếu tố độc quyền với yếu tố tự do thì tựu trung lại là có tính chất độc quyền, mà độc quyền thì Nhà nước phải định giá.

Đây là lần đầu dự án luật được đưa ra thảo luận, do đó tiếp tục cần phải làm rõ một số điều và cần các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp sau.

PV: Xin cảm ơn ông!