lđ

Kinh phí dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm sau tăng hơn năm trước từ 10 - 20%.

Bà Đỗ Thúy Hằng - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Cục Trẻ em, Bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐTB&XH) đã có buổi trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh việc quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

* PV: Thưa bà trong những năm qua, ngân sách nhà nước luôn ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bà đánh giá như thế nào về vai trò của ngân sách nhà nước trong đảm bảo nguồn lực cho công tác này?

- Bà Đỗ Thúy Hằng: Có thể nói, ngân sách nhà nước là nguồn lực chính cho công tác bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em. Kinh phí hàng năm dành cho công tác trẻ em năm sau tăng hơn năm trước từ 10 - 20%.

hang
Bà Đỗ Thúy Hằng

Ngoài việc tăng ngân sách, trong những năm gần đây, thời gian phân bổ ngân sách sớm, cuối tháng 12 của năm hiện tại đã được giao dự toán của năm tiếp theo, nên cơ bản đáp ứng được yêu cầu chi ngân sách cho công tác trẻ em.

Đồng thời, bên cạnh việc bố trí ngân sách chi cho hoạt động sự nghiệp, hoạt động quản lý nhà nước thì ngân sách cho công tác trẻ em còn được bố trí trong các đề án, dự án và trong các chương trình, chương trình mục tiêu. Đây là nguồn kinh phí lớn hỗ trợ cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách.

* PV: Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, còn những nguồn kinh phí nào khác dành để chi cho công tác trẻ em, thưa bà?

- Bà Đỗ Thúy Hằng: Thực tế mà nói đến thời điểm hiện tại, nguồn lực dành cho công tác trẻ em chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Nguồn lực từ tư nhân chưa có nhiều, chủ yếu thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em. Đồng hành cùng ngân sách nhà nước dành cho công tác trẻ em là sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cả về nguồn lực lẫn hỗ trợ kỹ thuật. Từ khi Việt Nam công bố là nước có thu nhập trung bình thì các tổ chức quốc tế hỗ trợ chỉ mang tính giám sát, một số dự án họ hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương là địa bàn dự án.

* PV: Thưa bà, ngoài nguồn ngân sách từ trung ương thì địa phương cũng cần bố trí kinh phí cho hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Bà nhận định như thế nào về việc bố trí kinh phí của các địa phương cho công tác trẻ em?

- Bà Đỗ Thúy Hằng: Địa phương có vai trò rất quan trọng trong bố trí nguồn lực cho công tác trẻ em. Tuy nhiên, có một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác trẻ em, hàng năm bố trí chưa đến 500 triệu đồng cho công tác (không tính kinh phí trợ cấp).

Trong thời gian qua, cứ 2 năm/lần, Bộ LĐTB&XH xây dựng và ban hành Chỉ số xếp hạng địa phương về thực hiện quyền trẻ em. Trong đó có đánh giá về sự đầu tư nguồn lực của các địa phương cho công tác trẻ em.Việc đưa ra Chỉ số xếp hạng đã giúp thay đổi cách nhìn nhận, các địa phương đã quan tâm hơn đến công tác trẻ em nói chung và bố trí ngân sách địa phương cho công tác trẻ em nói riêng.

* PV: Có ý kiến cho rằng, do nguồn ngân sách cho công tác trẻ em được lồng ghép trong nhiều chương trình, lĩnh vực nên còn trùng lắp, chồng chéo. Bà có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

- Bà Đỗ Thúy Hằng: Có thể khẳng định là không có sự chồng chéo trong bố trí kinh phí cho công tác trẻ em, vì hiện nay Bộ Tài chính “gác” rất chặt việc sử dụng kinh phí.

Bên cạnh đó, các chương trình Thủ tướng Chính phủ ký trong thời gian gần đây hầu hết là không ghi nguồn lực, chỉ bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, truyền thông, kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực... Nguồn lực chi trả trực tiếp cho trẻ em thông qua các chính sách, chương trình, đề án riêng, ví dụ như chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định 136 của Chính phủ). Nguồn ngân sách từ trung ương chỉ hỗ trợ kinh phí cho các bộ, ngành, còn địa phương phải tự bố trí ngân sách; Nếu địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thì phải xây dựng kế hoạch để trình Bộ Tài chính bố trí nguồn lực.

Hàng năm, để triển khai các quyết định, chương trình, đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ LĐTB&XH được bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động quản lý (từ 500 triệu đồng trở lên tùy theo từng chương trình), đối với kinh phí của chương trình mục tiêu thì tập trung hỗ trợ cho địa phương chưa tự đảm bảo ngân sách, trong đó 85% nguồn lực hỗ trợ địa phương thực hiện, Trung ương chỉ giữ lại 15% để triển khai nhiệm vụ quản lý. Chính vì vậy không có chuyện chồng chéo hoặc sử dụng không hiệu quả nguồn lực của Nhà nước.

Không phải chỉ riêng Bộ LĐTB&XH, mà có nhiều bộ, ngành cùng làm công tác trẻ em, bộ nào quản lý lĩnh vực nào thì sẽ chịu trách nhiệm tham mưu về nguồn lực và ngân sách sẽ được chuyển thẳng cho sở tài chính của các địa phương. Vì vậy, nếu trẻ em là một đối tượng độc lập trong bộ, ngành thì nguồn lực không có sự chồng chéo.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Bùi Tư (thực hiện)