“Phát triển dịch vụ Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm trong bối cảnh mới” cũng là chủ đề chính của hội thảo khoa học quốc gia được Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Thương mại phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính tổ chức sáng 12/10, với sự tham dự của đông đảo các giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế.

PGS. TS. Lê Thị Kim Nhung - Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, trường Đại học Thương mại và TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính đồng chủ trì điều hành hội thảo.

Phát triển dịch vụ tài chính, xu hướng không thể đảo ngược
Hội thảo “Phát triển dịch vụ Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm trong bối cảnh mới” nhận được sự quan tâm của nhiều học giả, chuyên gia, nhà khoa học. Ảnh: ĐHTM

Góp phần thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện

Phát triển các dịch vụ tài chính nói chung và dịch vụ tài chính số nói riêng đang là xu thế không thể đảo ngược trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Việc ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng, trong đó có Việt Nam để đối phó với cuộc khủng hoảng cũng như phát huy lợi thế để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, sự phát triển các dịch vụ tài chính trong bối cảnh mới cũng đi kèm không ít thách thức, đòi hỏi phải có thay đổi về thể chế, tăng cường đầu tư vốn, đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ nhân lực... Do đó, hội thảo “Phát triển dịch vụ Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm trong bối cảnh mới” là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý và các học giả cung cấp những nghiên cứu, trao đổi, nhằm hiến kế, góp phần phát triển thị trường tài chính - ngân hàng - bảo hiểm ổn định, hiệu quả, bền vững, đáp ứng sự phát triển ngày càng cao của kinh tế - xã hội đất nước, hướng tới sự hình thành của cơ cấu kinh tế hiện đại.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, đã có rất nhiều chính sách khuyến khích phát triển thị trường tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thị trường tài chính – ngân hàng thích ứng bối cảnh mới.

“Việc phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng luôn là nội dung trọng tâm của hầu hết các chiến lược liên quan đến phát triển hệ thống tài chính. Các nhân tố trên đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng các dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, trong giai đoạn vừa qua và đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng mức độ bao phủ của dịch vụ tài chính trên toàn quốc, góp phần thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện” - TS. Nguyễn Như Quỳnh khẳng định.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm vẫn còn những tồn tại, bất cập, như: quy mô của thị trường tài chính chưa tương xứng với tiềm năng, cấu trúc thị trường, chưa cân đối giữa thị trường ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm.

Công tác giám sát an toàn hệ thống còn chưa chú trọng đến giám sát trên cơ sở rủi ro, giám sát cẩn trọng vĩ mô và giám sát thị trường tài chính chưa được quan tâm đúng mức. Các dịch vụ tài chính xanh còn hạn chế, vấn đề bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, dịch vụ tài chính, quản trị dữ liệu, riêng tư, bảo mật thông tin còn nhiều hạn chế.

TS. Nguyễn Như Quỳnh cũng chỉ ra thêm một số bất cập khác, như: nhiều sản phẩm tài chính mới như cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng còn thiếu hụt những quy định về pháp lý. Sự bùng nổ của các dịch vụ tài chính lừa đảo, vi phạm pháp luật như tín dụng đen, các dịch vụ đầu tư vào tiền mã hóa, ảnh hưởng đến các mục tiêu và định hướng đề ra cũng như thực hiện các các cam kết trong chiến lược tài chính trong giai đoạn tới.

Những trăn trở của giới học thuật về thị trường tài chính

Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, xu hướng tích hợp các dịch vụ tài chính không hề mới, vấn đề này đã bàn khá nhiều nhưng gần đây có những thay đổi trong thực thi việc tích hợp này.

Ông Vũ Đình Ánh đề nghị cần phải đi sâu nghiên cứu, rủi ro liên quan giữa ngân hàng và chứng khoán; đánh giá rõ những tác động của dịch bệnh Covid-19 tới thị trường chứng khoán - bảo hiểm.

Liên quan đến tích hợp các dịch vụ tài chính, vị chuyên gia này cũng cảnh báo những tiềm ẩn rủi ro về tích hợp lĩnh vực tài chính- ngân hàng- bảo hiểm với thị trường bất động sản. Đối với xu hướng xanh hóa và số hóa, ông Vũ Đình Ánh lưu ý, “không thể bỏ qua và lơ là”, cần đánh giá những tác động tiêu cực hay còn gọi là “tác động ngược” của nó, song song với những nhận định tích cực tới nền kinh tế.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Mùi - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tích hợp các dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, là vấn đề tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn nhiều thách thức, đó là: bảo mật thông tin, bảo mật dữ liệu của khách hàng, quản trị dữ liệu Big data, quy trình ứng dụng ngân hàng số.

TS. Nguyễn Thị Mùi phân tích thêm, khách hàng muốn sử dụng các dịch vụ nói riêng và các gói dịch vụ trên nền tảng số nói chung thì phải cung cấp thông tin. Trong bối cảnh này rất dễ lộ các thông tin. Khách hàng cũng được khuyến cáo, nhưng lộ thông tin vẫn xảy ra, đã ảnh hưởng không nhỏ đến cả ngân hàng và khách hàng.

Thách thức thứ hai theo bà Nguyễn Thị Mùi, đó là quản trị dữ liệu Big data, khi quản trị dữ liệu tốt thì có nhiều lợi ích (chi phí thấp, đẩy nhanh quy định, tối ưu hóa các khoản nợ) nhưng thực tế ở Việt Nam, các ngân hàng công tác quản trị còn phân tán, văn hóa quản trị và văn hóa rủi ro của các ngân hàng khác nhau; đầu tư cho hoạt động quản trị dữ liệu rất thấp. TS. Nguyễn Thị Mùi thông tin, chi phí đầu tư cho quản trị dữ liệu một ngân hàng ở Việt Nam còn thấp hơn châu Phi, với 0,5 USD cho 1 khách hàng.

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Thị Mùi, quy trình ứng dụng ngân hàng số còn phức tạp, hiện khách hàng muốn giao dịch phải tiện lợi, tự mình xử lý giao dịch. Tuy nhiên, nếu quy trình trên nền tảng số đơn giản thì rủi ro cao; nếu phức tạp thì hạn chế rủi ro nhưng lại khó khăn cho khách hàng trong thực hiện. Đây là những vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Hội thảo đã lắng nghe nhiều tham luận chất lượng của các giảng viên, nhà nghiên cứu của một số học viện, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính; những phản biện và tham góp ý kiến xoay quanh các chủ đề của hội thảo, như: tích hợp lĩnh vực tài chính, xu hướng xanh hóa và số hóa các thị trường này.

Có nhiều ý tưởng thú vị được trình bày, tuy nhiên có ý kiến cho rằng, cần có thêm bằng chứng thực nghiệm giữa đầu tư và kết quả.

Đây chính là thể hiện sự quan tâm cũng như những trăn trở của giới học thuật tới thị trường tài chính - ngân hàng - bảo hiểm./.