Trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều điểm sáng

Tại tọa đàm Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán (TTCK) diễn ra chiều 29/6/2022 tại Hà Nội, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, UBCKNN đánh giá, năm 2022 có nhiều diễn biến phức tạp và không thuận lợi như năm 2021. Sau khi chứng kiến mức tăng vào đầu năm 2022, TTCK Việt Nam đã có mức giảm điểm tương đối mạnh. Thanh khoản thị trường cũng có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, giá trị giao dịch bình quân sang tháng 5, thanh khoản chỉ đạt bình quân 17.773 tỷ đồng/phiên, giảm 32% so với tháng 4 và bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.

Mặc dù diễn biến giảm điểm đã làm nhiều nhà đầu tư e ngại khi tham gia thị trường, kể từ đầu tháng 6 đến nay xuất hiện một số điểm sáng trên thị trường như nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng mua ròng trở lại.

Tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2.193 tỷ đồng cổ phiếu. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh cho thấy các nhà đầu tư vẫn coi đây là kênh đầu tư hấp dẫn trong thời điểm hiện tại.

Phát triển thị trường chứng khoán theo hướng bền vững
Quang cảnh cuộc tọa đàm.

Đề cập đến khả năng phát triển của thị trường, bà Bình cho hay, các dự báo phát triển của TTCK Việt Nam sẽ phụ thuộc khá nhiều vào TTCK toàn cầu. Hiện nay, tình hình kinh tế - chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro tác động đến TTCK.

Căng thẳng Nga – Ukraine, chính sách phong toả nghiêm ngặt nhằm đối phó với Covid-19 của Trung Quốc, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khoá trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế. Kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại (IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022 chỉ đạt 3,6%, WB dự báo ở mức 2,9%).

Đặc biệt, yếu tố giá cả lương thực, năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tăng cao tác động tiêu cực đến chi phí đầu vào và lợi nhuận của các doanh nghiệp, đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát lên các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù chịu nhiều tác động nhưng về trung và dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều điểm sáng khi một số yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô vẫn vững, các hoạt động kinh tế được khôi phục.

Đến hết quý I/2022, 86% số công ty niêm yết và đại chúng quy mô lớn đã thực hiện báo cáo có lãi, cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong quý I/2022 cũng tăng 33,7% so với cùng kỳ 2021.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua, đến nay đạt gần 5,7 triệu tài khoản và hiện mới chiếm khoảng 5% dân số cũng cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước.

Ngoài ra, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý so với các thị trường trong khu vực. Bà Bình nhận định, thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc cũng sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư quan tâm trong thời gian tới.

TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng chia sẻ quan điểm, hiện nay thị trường chứng khoán đã, đang điều chỉnh và giảm điểm tương đối mạnh từ đầu năm, trong đó chỉ số VN-Index giảm khoảng 20% còn chỉ số HNX giảm khoảng 40%. Giá cổ phiếu của một số ngành phục hồi còn chậm, giá cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán thậm chí đã giảm trong những tháng đầu năm, cho thấy sự băn khoăn của nhà đầu tư đối với lĩnh vực này.

"Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và việc lành mạnh hóa thì thị trường sẽ tốt lên"- TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Lập lại trật tự TTCK

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế tại tọa đàm, với bối cảnh hiện nay, diễn biến của TTCK trong nửa cuối năm 2022 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề niềm tin của các nhà đầu tư cần được củng cố; cần có sự hỗ trợ tích cực của phục hồi kinh tế và các giải pháp kiềm chế lạm phát.

Để TTCK hồi phục, bà Bình cho hay, trong bối cảnh thị trường có những biến động mạnh, UBCKNN sẽ có những thay đổi chính sách, trong đó chú trọng nâng cao các giải pháp để hỗ trợ thị trường phát triển bền vững.

Theo bà Bình, một điểm nhấn đáng chú ý trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu chính là phát triển thị trường theo hướng bền vững thông qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa và nền tảng cơ sở của thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành thị trường, đặc biệt là siết chặt công tác giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK.

Đáng chú ý là Bộ Tài chính vừa qua cũng đã có động thái về việc hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK riêng lẻ hoặc xử lý vi phạm với hoạt động chào bán phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho thấy đây không phải động thái siết chặt thị trường, mà để thị trường tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, đồng thời bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Về dài hạn, UBCKNN đẩy mạnh công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến hành rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của các định chế đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo TTCK phát triển bền vững, hướng tới việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, về cơ hội cho lĩnh vực chứng khoán, trong khó khăn thách thức vẫn có nhiều cơ hội khi kinh tế phục hồi, lạm phát cơ bản được kiểm soát và đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm, thể chế pháp luật hoàn thiện ở mức độ tốt hơn. Cùng với đó, những sản phẩm dịch vụ chứng khoán mới đã và đang được UBCKNN bổ sung đa dạng hóa. Lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm nay vẫn có thể tăng từ 20 - 25%, chỉ thấp hơn mức 30 - 33% của năm ngoái, nhưng nhìn chung vẫn tích cực.