Chào mừng Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn giới chủ Pháp cùng Đoàn doanh nghiệp Pháp đến thăm và làm việc tại Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam - Pháp phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua.
Đặc biệt, Pháp là nước đầu tiên trong EU thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam nhân dịp chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 10/2024 vừa qua.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sự hiện diện của Đoàn doanh nghiệp Pháp hôm nay là minh chứng rõ nét cho quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa 2 nước, với hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại là một trong những trụ cột hết sức quan trọng.
Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò của MEDEF trong việc tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại trong thời gian qua, góp phần tăng cường vào quan hệ hợp tác kinh tế hai nước.
Hiện Pháp là nước đứng thứ 4 trong số các nước EU về trao đổi thương mại với Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch thương mại Việt - Pháp đạt hơn 5,4 tỷ USD. Pháp cũng đứng thứ 2 về đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,96 tỷ USD tính đến hết tháng 4/2025; là nước dẫn đầu châu Âu về mức vốn ODA cam kết dành cho Việt Nam.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho biết dự án Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội - dự án "hải đăng" trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Pháp đã đi vào hoạt động vào tháng 8/2024, đóng góp tích cực vào tiến trình đô thị hóa và giúp cải thiện chất lượng, môi trường sống của người dân.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng hai nước còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác kinh tế và cần tận dụng tối đa các lợi ích của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) mang lại.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị Nghiệp đoàn cùng các doanh nghiệp Pháp có tiếng nói để thúc đẩy Quốc hội Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA, tạo khung pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp châu Âu và Pháp tăng cường hợp tác kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều biến động, đặt ra những thách thức lớn, Việt Nam luôn luôn kiên định con đường xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường gắn với chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Ông cho biết, Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tích cực, quý I/2025 tăng trưởng GDP ước đạt 6,93%; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số. Trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 276 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký FDI 4 tháng đầu năm đạt 13,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước...
Về định hướng phát triển, Phó Thủ tướng chia sẻ, Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 66-NQ/TW về hoàn thiện chính sách pháp luật. Đây là những quyết sách hết sức quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.
Cho biết, Việt Nam phấn đấu trong năm 2025 sẽ hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, khởi công một số tuyến đường sắt và một loạt hệ thống cơ sở hạ tầng trọng điểm khác, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, song song với phát triển hạ tầng, Việt Nam luôn chú trọng phát triển hạ tầng đồng bộ, đảm bảo các điều kiện đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đối tác công - tư, lắng nghe và xử lý nhanh các kiến nghị của doanh nghiệp.
Việt Nam không phân biệt các thành phần kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều bình đẳng trước pháp luật, hoạt động một cách minh bạch, hiệu quả và đúng pháp luật.
Đánh giá cao thế mạnh của Pháp trong các lĩnh vực công nghệ cao, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và nông nghiệp... Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị MEDEF tăng cường các hoạt động kết nối đầu tư, hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực nêu trên; mong muốn phía Pháp tăng cường hỗ trợ xây dựng nghiên cứu các dự án trong lĩnh vực về công nghiệp như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, phương tiện vận tải....
Với thế mạnh trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, có nhiều doanh nghiệp phân phối lớn hàng đầu thế giới, Phó Thủ tướng đề nghị Pháp thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, đưa hàng hóa của Việt Nam vào các kênh phân phối lớn toàn cầu.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Phó Thủ tướng đề nghị Nghiệp đoàn tiếp tục tăng cường hỗ trợ tín dụng, hợp tác kỹ thuật nâng cao nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ trong lĩnh vực sản xuất hydrogen, hỗ trợ Việt Nam trong việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật thu giữ/sử dụng carbon gắn với quá trình sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn năng lượng khác (như than, dầu khí...). Tiếp tục hỗ trợ và tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông đô thị ở Việt Nam, trong đó có kế hoạch hiện đại hóa mạng lưới đường sắt quốc gia.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, với uy tín và mạng lưới của mình, MEDEF sẽ tiếp tục hỗ trợ và kết nối hiệu quả đầu tư kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới; nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp các nước, trong đó có doanh nghiệp Pháp, tăng tốc, bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn nữa, thu được nhiều thành công hơn nữa tại thị trường Việt Nam.
Ngài Francois Corbin cảm ơn Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đón tiếp rất thịnh tình, nồng hậu; bày tỏ ấn tượng với sự tăng trưởng của Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây.
Theo Phó Chủ tịch MEDEF, đó là thành quả của sự nỗ lực không ngừng đổi mới nền kinh tế, với nền tảng công nghiệp mang tính cạnh tranh cao; nguồn nhân lực chất lượng; nâng cao đời sống nhân dân…
Đặc biệt, Việt Nam là 1 trong số ít những nước trên thế giới vẫn duy trì tăng trưởng trong giai đoạn toàn cầu phải ứng phó với Đại dịch COVID-19. Và sau COVID-19, Việt Nam tiếp tục đón nguồn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, tạo cơ sở để tiếp tục phát triển trong tương lai.
Phó Chủ tịch MEDEF tin tưởng với quan hệ hợp tác từ lâu đời, trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, doanh nghiệp hai nước Việt - Pháp với khả năng bổ sung cho nhau sẽ khai thác hiệu quả các cơ hội và dư địa phát triển để cùng hướng tới sự thịnh vượng và tiến xa trong tương lai.
Tại buổi làm việc, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Pháp và lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam đã cùng chia sẻ, trao đổi về các nội dung: Phát triển đường sắt tốc độ cao; đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển, logistics; kiến trúc, thiết kế bảo tàng, quy hoạch, phát triển đô thị thông minh; nhiệt điện khí hóa lỏng; phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, điện gió, điện hạt nhân, hidrogen xanh; công nghiệp quốc phòng, hàng không vũ trụ, vệ tinh; y tế; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học, công nghệ; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; hợp phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao không phát thải các bon; an ninh mạng; ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống ô nhiễm môi trường…
Đại diện các doanh nghiệp Pháp và Ngài Phó Chủ tịch MEDEF khẳng định cộng đồng doanh nghiệp 2 nước đang có "cơ hội vàng" để cùng hợp tác phát triển; các doanh nghiệp Pháp hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam và sẵn sàng hợp tác để cùng phát triển bền vững.
Đặc biệt, Ngài Phó Chủ tịch MEDEF nhấn mạnh, doanh nghiệp Pháp có những đặc thù nước khác không có, đó là đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao khoa học, công nghệ cho đối tác. Doanh nghiệp Pháp sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với các bạn Việt Nam.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cảm ơn Ngài Francois Corbin, Phó Chủ tịch MEDEF cùng Đoàn doanh nghiệp Pháp đã chia sẻ về những lĩnh vực Việt Nam rất cần trong giai đoạn hiện nay: Như đường sắt cao tốc, đường bộ, tài chính, quy hoạch, kiến trúc, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao…
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Pháp đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam gắn với chuyển giao công nghệ để cùng phát triển bền vững, mang lại thịnh vượng cho 2 quốc gia và lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân 2 nước./.