Chứng khoán tuần qua: VN-Index có tuần tăng điểm tốt, khối ngoại trở lại mua ròng Thấy gì từ tín hiệu đảo chiều mua ròng của khối ngoại?

Cổ phiếu họ Vin bứt phá

Theo đánh giá của ông Đào Minh Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Đầu tư, Chứng khoán SSI, thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu tháng 5 ghi nhận sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu.

Trước đó, sau khi thị trường tạo đáy vào khoảng ngày 9/4, hầu hết cổ phiếu đều đồng loạt hồi phục với mức tăng phổ biến từ 15-20% so với đáy. Tuy nhiên, bước sang tháng 5, thị trường bắt đầu tách thành 2 nhóm với diễn biến khác biệt rõ ràng.

Nhóm cổ phiếu liên quan đến Vingroup nổi bật với mức tăng vượt trội, thậm chí vượt qua giá trước khi Mỹ công bố chính sách thuế mới. Tính từ đầu năm đến thời điểm tạo đáy giữa tháng 4, VN-Index đã chịu áp lực giảm mạnh, nhưng riêng nhóm cổ phiếu họ Vin đã có mức hồi phục và đóng góp tích cực, với ảnh hưởng lớn đến diễn biến chung của thị trường.

Dòng tiền nội được tiếp sức từ tín hiệu mua ròng của khối ngoại
Cổ phiếu họ Vin tiếp tục đóng góp vào VN-Index phiên ngày 27/5. Nguồn: Vietcap.

“Sự tăng trưởng mạnh của nhóm Vingroup đến từ kết quả kinh doanh quý I tăng hơn 160% cùng chính sách gỡ bỏ giới hạn sở hữu cổ phiếu Vinfast, tạo hiệu ứng tâm lý tích cực và thu hút dòng tiền. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu Vin trong danh mục nhiều quỹ ngoại thấp suốt 2 năm khiến họ phải tái cơ cấu, tăng tỷ trọng nắm giữ và củng cố đà tăng giá” - ông Châu nhận định.

Bên cạnh nhóm Vingroup, một số cổ phiếu như Gelex, ngân hàng, cảng biển và du lịch cũng có diễn biến tích cực nhờ kết quả kinh doanh quý I khả quan, ít chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế Mỹ mới hoặc được hỗ trợ bởi các yếu tố riêng như phát hành tăng vốn và chuyển nhượng cổ phần giữa cổ đông lớn.

“Ngược lại, các nhóm xuất khẩu, khu công nghiệp và hàng hóa chịu áp lực giảm giá mạnh do chính sách thuế Mỹ và xu hướng giảm giá hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là dầu. Nhiều cổ phiếu trong nhóm này vẫn giao dịch dưới mức giá đầu tháng 4, cho thấy mức chiết khấu đáng kể” - ông Châu cho biết.

Tín hiệu tích cực từ khối ngoại

Về diễn biến dòng vốn ngoại, ông Huỳnh Hữu Phước - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, nhà đầu tư dường như đã quen với trạng thái bán ròng kéo dài hơn 2 năm qua, với tổng giá trị rút ròng khoảng 150.000 tỷ đồng (trên 6 tỷ USD).

Tuy nhiên, từ đầu tháng 5, xuất hiện dấu hiệu khả quan khi khối ngoại mua ròng mạnh trong ba phiên liên tiếp ngày 13, 14 và 15/5, trong đó phiên 14/5 ghi nhận giá trị mua ròng lên tới hơn 2.400 tỷ đồng.

Dòng tiền nội được tiếp sức từ tín hiệu mua ròng của khối ngoại
Diễn biến giao dịch khối ngoại phiên ngày 27/5. Nguồn: FiinTrade.

Theo ông Phước, diễn biến này không chỉ riêng Việt Nam mà còn phản ánh xu hướng chung ở các thị trường mới nổi châu Á, vốn cũng trải qua giai đoạn dòng vốn ngoại rút mạnh trước đó. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 4.200 tỷ đồng trên thị trường Việt Nam, nhưng xu hướng này vẫn chưa bền vững khi tuần gần nhất khối ngoại lại trở lại trạng thái bán ròng.

“Sự quay lại của dòng vốn ngoại chủ yếu là do các quỹ toàn cầu tái cơ cấu danh mục, chuyển hướng khỏi các thị trường phát triển như Mỹ. Việc thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD và các đồng tiền khác tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn trở lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam” - ông Phước đánh giá.

Theo chuyên gia từ VDSC, các phiên mua ròng gần đây đã góp phần tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư nội, nhất là khi những cổ phiếu được khối ngoại mua thường có hiệu suất tốt trong ngắn hạn. Nếu dòng vốn ngoại hình thành xu hướng bền vững, việc tham gia thị trường dù ở mức giá cao hơn cũng sẽ an toàn hơn.

Tuy vậy, ông Phước cũng lưu ý rằng, vẫn còn quá sớm để khẳng định dòng vốn ngoại đã thực sự đảo chiều vì trong quá khứ đã có những đợt mua ròng kéo dài nhưng sau đó nhanh chóng quay lại bán ròng. Nhà đầu tư cần thêm thời gian quan sát trong 1-2 tháng tới để xác định đây là xu hướng dài hạn hay chỉ là biến động ngắn hạn.

Ông Đào Minh Châu cũng cho biết, xu hướng mua ròng của khối ngoại tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh chung của nhiều thị trường châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN, sau giai đoạn bán ròng mạnh trong 4 tháng đầu năm.

“Đà mua ròng này khó có thể đảo ngược hoàn toàn xu hướng bán ròng kéo dài từ đầu năm 2024 do môi trường quốc tế còn nhiều bất định, trong đó có tiến trình đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở thương mại lớn và chịu tác động mạnh từ biến động toàn cầu, nên dòng vốn ngoại trong tương lai vẫn có thể mang tính gián đoạn” - chuyên gia SSI nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh bổ sung rằng, dù khối ngoại không còn là lực lượng chi phối thanh khoản chính trên thị trường, nhưng vai trò dẫn dắt xu hướng của họ vẫn rất quan trọng, có tác động đến nhà đầu tư nội.

“Mặc dù giá trị mua/bán ròng hàng ngày của khối ngoại chỉ ở mức vài chục triệu đến trăm triệu USD, các động thái này tạo tín hiệu tâm lý mạnh, khiến dòng tiền nội điều chỉnh theo” - ông Huân nhận định.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, còn quá sớm để xác định xu hướng dòng vốn ngoại dài hạn. Các quỹ đầu tư vẫn đang cân nhắc giữa việc tiếp tục rót vốn vào Mỹ - nơi được hưởng lợi từ chính sách công nghiệp mới và ưu đãi thuế hay chuyển hướng sang các thị trường mới nổi vốn đang chịu áp lực từ bất ổn thương mại.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, diễn biến về dòng vốn ngoại cũng phụ thuộc lớn vào kết quả đàm phán thuế quan giữa Mỹ và các nước mới nổi. Nếu đàm phán không thành công và thuế duy trì ở mức cao, xu hướng chuyển sản xuất về Mỹ có thể khiến dòng vốn ngoại rời xa các thị trường như Việt Nam.

Ngược lại, nếu Việt Nam được áp mức thuế ưu đãi hơn so với đối thủ như Trung Quốc, dòng vốn có thể quay lại mạnh mẽ, tạo lực đẩy rõ rệt cho thị trường trong trung và dài hạn.