Chứng khoán ngày 23/5: Giao dịch giằng co, VN-Index giữ được sắc xanh cuối phiên Chứng khoán ngày 26/5: Lực cầu nhập cuộc mạnh mẽ giúp VN-Index "lội ngược dòng" ngoạn mục |
VN-Index tăng hơn 7 điểm
Thị trường chứng khoán Việt Nam nối dài chuỗi ngày tăng điểm đầy khởi sắc. Dòng tiền đang có dấu hiệu chuyển hướng từ nhóm vốn hóa lớn sang nhóm Midcap, trái ngược so với các tuần trước, khi chỉ số chính được các cổ phiếu trụ kéo lên. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,3 điểm, lên mức 1.339,81 điểm.
Độ rộng thị trường tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế. Thống kê trên sàn HOSE, hôm nay có 230 mã tăng giá, có 52 mã giữ giá tham chiếu và 88 mã giảm giá.
![]() |
Diễn biến VN-Index trong phiên giao dịch ngày 27/5. |
Các cổ phiếu hỗ trợ cho VN-Index phiên này có: VHM (+1,09), FPT (+1,45), BID (+1,26), CTG (+0,89), GAS (+1,11)... Chiều ngược lại, các cổ phiếu giảm điểm trong phiên hôm nay gồm: VCB (-0,35), VPB (-0,28), MBB (-0,2), VPL (-3,11), MWG (-0,31)... |
Độ mở thị trường tiếp tục nghiêng hẳn về sắc xanh với 18/21 nhóm ngành tăng điểm. Cảng biển, dệt may và thủy sản là ba nhóm ngành xanh điểm mạnh mẽ nhất. Ở chiều ngược lại, duy nhất ba nhóm ngành đóng cửa sắc đỏ là phân bón, thực phẩm tiêu dùng và dược phẩm.
Trong phiên hôm nay, chỉ số VN30 cũng tăng 3,6 điểm, lên mức 1.427,45 điểm. Trong rổ VN30, số cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế với 14 mã tăng, chỉ có 5 mã giữ giá tham chiếu và 11 mã giảm giá.
Thanh khoản khớp lệnh gia tăng +9,6% so với phiên hôm qua và cao hơn +28,7% so với mức bình quân 20 phiên. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HOSE đạt 1.123 triệu cổ phiếu (+9,06%), tương đương giá trị đạt 25.027 tỷ đồng (+8,05%).
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có phiên tăng điểm tích cực. Trong khi, chỉ số HNX-Index tăng 2,38 điểm lên mức 221,79 điểm, chỉ số UPCoM-Index tăng +1,41 điểm lên mức 98,14 điểm.
Trước bối cảnh đó, khối ngoại là điểm trừ khi bán ròng mạnh tay hơn 1.178 tỷ đồng phiên hôm nay. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 1.106 tỷ đồng. Chiều bán, cổ phiếu HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất toàn thị trường trong phiên hôm nay với giá trị 157 tỷ đồng.
Ngược chiều, FPT được mua ròng mạnh nhất toàn thị trường với giá trị 127 tỷ đồng, GMD cũng được rót ròng hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra, CTD, KBC và HVN cũng được mua ròng với giá trị dao động từ 34 tỷ tới 44 tỷ đồng mỗi cổ phiếu.
Trên HNX, khối ngoại lại bán ròng khoảng 61 tỷ đồng.
Dòng tiền lan tỏa tích cực
Khởi đầu phiên sáng, VN-Index mở gap tăng nhờ dư âm của đà bứt phá trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Mặc dù trong phiên đã có lúc thị trường đánh rơi 10 điểm do lực bán xuất hiện khi tiếp cận tới vùng đỉnh cũ - 1.340 điểm thiết lập vào tháng 3/2025, VN-Index nhanh chóng tìm lại sức mạnh nhờ lượng cầu chủ động gia nhập thị trường, giữ chỉ số giao dịch ở mức giá xanh cho tới hết phiên.
Các nhóm ngành tăng điểm tích cực, đóng góp đáng kể vào tâm lý thị trường chung là: bất động sản, cảng biển và dệt may với mức tăng trần được ghi nhận rải rác ở một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán có phiên giao dịch ảm đạm, đóng cửa xanh đỏ xen kẽ khi không nhận được sự chú ý của dòng tiền. Thị trường sở hữu nhiều điểm tích cực với việc số mã tăng điểm (230 mã) áp đảo so với số mã giảm điểm (88 mã) và thanh khoản khớp lệnh cao hơn +9.6% so với phiên giao dịch hôm qua.
Thị trường rung lắc nhiều đợt trong phiên chiều nay, nhưng hầu như chỉ có bluechips là nguồn cơn biến động. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tăng rực rỡ, thậm chí nhiều mã lọt vào nhóm thanh khoản cao nhất thị trường với giá tăng ấn tượng.
![]() |
N-Index có phiên xanh điểm thứ 3 liên tiếp với tín hiệu tích cực khi đóng cửa ở mức cao nhất trong năm 2025. Ảnh: T.L |
Nhóm VN30 hôm nay chịu sức ép khá lớn từ khối ngoại khi tổng giá trị bán ra với cổ phiếu nhóm này chiếm 33,6% thanh khoản. Chỉ một số mã giảm giá có quy mô bán lớn từ khối ngoại như MBB giảm 0,2%, MWG giảm 0,31%, VCB giảm 0,35%, VRE giảm 0,78%, VNM giảm 0,54%... Một số khác như HPG, VIC tuy bị xả nhiều nhưng giá cũng không giảm. Thêm nữa, biên độ giảm giá như vậy cũng là không đáng kể.
Chỉ số midcap đóng cửa tăng 1,56%, mạnh hơn so với smallcap tăng 1,34% và càng vượt trội mức tăng 0,25% của VN30-Index hay 0,55% của VN-Index. Tới 20 cổ phiếu trong nhóm vừa và nhỏ đạt biên độ tăng giá quá 2% và thanh khoản vượt 100 tỷ đồng.
Đây là nhóm hút dòng tiền và có hiệu quả giá rõ nét nhất. DIG, GMD, HAH, TCM còn đóng cửa kịch trần. VND, DXG, GEX, PDR, VSC, HHV, CTD khớp trên 200 tỷ đồng mỗi cổ phiếu. Thậm chí tuy chỉ 75 mã nhưng nhóm tăng mạnh nhất này chiếm tới 29% tổng giá trị khớp lệnh cả sàn HoSE. Điều này cho thấy sức đẩy của dòng tiền là rất hiệu quả và rất tập trung.
Điều đáng chú ý là chỉ số midcap vẫn còn khoảng cách khá xa so với đỉnh cũ tháng 3 vừa qua, khoảng -3,55%. Chỉ số smallcap cũng đang thấp hơn khoảng 4,26% trong khi đó VN-Index đã quay về đỉnh cũ, VN30-Index vượt đỉnh khoảng 2,33%. Ngoài ra nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn còn thấp xa so với đỉnh ngắn hạn tương ứng. Đây có thể là nguyên nhân thúc đẩy dòng tiền đổ mạnh hơn vào các nhóm cổ phiếu này.
Nối tiếp đà tăng, VN-Index có phiên xanh điểm thứ 3 liên tiếp với tín hiệu tích cực khi đóng cửa ở mức cao nhất trong năm 2025. Dù chưa vượt được mức đỉnh 1.343 điểm nhưng với việc đóng cửa ở mức cao nhất phiên và cao nhất năm, cộng với khối lượng khớp lệnh ở mức cao cho thấy xung lực tăng điểm vẫn còn dư địa khá lớn.
Bên cạnh đó dòng tiền tăng điểm đã lan rộng ra nhiều nhóm ngành mà không còn tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như các phiên trước cho thấy đà tăng có xác suất cao sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Các chuyên gia, kỳ vọng VN-Index sẽ nhanh chóng vượt mức đỉnh (1.343 điểm) của năm 2025 để thiết lập mức đỉnh mới với mục tiêu hướng tới mốc kháng cự quanh 1.398 điểm. Vì vậy nhà đầu tư cần ưu tiên quan điểm nắm giữ danh mục và mở thêm vị thế mua mới, gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường chung có nhịp rung lắc. |