Lợi thế từ liên doanh và “đất vàng”

Doanh nghiệp có 3 công ty liên doanh cơ khí với Nhật, mỗi năm chia cổ tức cho PVM khoảng 70 - 100 tỷ đồng. 3 liên doanh này sản xuất phụ tùng ô tô xe máy cung cấp cho các công ty Nhật tại Việt Nam và xuất khẩu. Lợi nhuận của 3 liên doanh này tương đối ổn định trong nhiều năm, cổ tức chia về cho PVM cũng tương đối ổn định.

Cách đây 25 năm, khi còn là doanh nghiệp nhà nước, công ty Machino nắm 30% trong liên doanh với các đối tác Nhật Bản: Nippon Seiki, Showa, FCC chuyên sàn xuất phụ tùng ô tô, xe máy. Sau khi cổ phần hóa, PVM chỉ còn nắm 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% của Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% Công ty TNHH Phụ tùng xe máy, ô tô SHOWA Việt Nam.

Báo cáo tài chính của PV Machino các năm qua cho thấy, năm 2016 PVM thu được hơn 100 tỉ đồng cổ tức và lợi nhuận được chia, năm 2017 là gần 84 tỉ đồng và năm 2018 là hơn 80 tỉ đồng. Năm 2019 PVM thu được 81,3 tỷ đồng tiền cổ tức và lợi nhuận được chia.

Bên cạnh đó, PVM hiện đang quản lý và sử dụng nhiều bất động sản có giá trị, trong đó hoạt động cho thuê đem lại doanh thu hàng năm khoảng 30 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp khoảng 10 tỷ đồng. Trong đó nổi bật là 1.827,69 m2 đất tại số 8 Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội), được ghi nhận lợi thế vị trí địa lý khi cổ phần hoá là 28,5 tỷ đồng và sẽ bù trừ với tiền thuê đất hàng năm phải trả cho nhà nước; lô đất 23.600 m2 tại Đông Anh hiện đang cho thuê trong thời gian chờ đợi triển khai phát triển dự án bất động sản với đối tác. PVM còn liên doanh với Công ty Bách hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng (tòa nhà Hàm Cá Mập).

Ngoài ra, PVM còn sở hữu 10% vốn góp tại dự án “Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp - KĐT Nam An Khánh” thuộc lô HH3 của dự án Nam An Khánh, huyện Hoài Đức sau khi đối trừ công nợ với Công ty CP xây lắp dầu khí IMICO với giá trị định giá 81,7 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất tại dự án là PVCombank chiếm tỷ lệ 50%.

Kỳ vọng thu hồi nợ xấu, tinh giảm bộ máy

PVM hiện có 280 tỷ đồng nợ xấu đã trích lập dự phòng 100% và giá trị nợ có thể thu hồi là 221 tỷ đồng (theo đánh giá của HĐQT trong tài liệu ĐHCĐ 2020), chủ yếu là các khoản nợ có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng (Agribank và SeaBank), với tổng giá trị 130 tỷ đồng, công ty đã khởi kiện và đang chờ giải quyết.

Công ty đặt mục tiêu mỗi năm thu hồi 20% dư nợ. Giai đoạn 2014 - 2015, PV Machino đã thu hồi được một khoản công nợ giá trị hơn 53 tỷ đồng cả gốc và lãi có bảo lãnh của ngân hàng. Giai đoạn 2015 - 2020 công ty đã thực hiện thu hồi được 187 tỷ đồng/396 tỷ đồng nợ quá hạn tại thời điểm 2015; đồng thời không để phát sinh thêm nợ khó đòi mới sau khi thực hiện quy chế tài chính chặt chẽ. Công tác thu hồi nợ được Ban lãnh đạo công ty xác định là nhiệm vụ trọng tâm và luôn đặt mục tiêu thu hồi 10 - 20% trên số dư nợ quá hạn của năm trước liền kề.

Đối với các công ty con hoạt động thua lỗ, PVM đã trích lập dự phòng toàn bộ 10 tỷ đồng, do đó công ty sẽ có thêm thu nhập khác nếu thoái vốn thành công. Đối với khoản đầu tư vào Công ty Máy và Thiết bị Đà Nẵng (Daesco) có giá trị đầu tư 52 tỷ đồng, công ty đã xây dựng lại phương án thoái vốn thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025 khi cơ hội thị trường thuận lợi hơn.

Một chủ đề khác được nhiều cổ đông quan tâm là bộ máy quản lý quá cồng kềnh, tốn kém chi phí quản lý doanh nghiệp. Ví dụ như Trung tâm Hợp tác lao động và dịch vụ quốc tế chỉ xuất khẩu được 32 lao động năm 2019, doanh thu tương ứng 790 triệu đồng, trong khi phải duy trì nhân sự 9 người và 1 phó tổng giám đốc phụ trách.

Chi phí nhân công năm 2019 của công ty mẹ ở mức 21 tỷ đồng cho quy mô nhân sự 70 lao động, thu nhập bình quân 19 triệu đồng/tháng, chưa kể hàng năm trích quỹ khen thưởng phúc lợi tỷ lệ 13% lợi nhuận sau thuế tương ứng giá trị 4 - 5 tỷ đồng và nhiều phúc lợi khác như bảo hiểm nhân thọ 10,7 tỷ đồng…

Tại các kỳ đại hội cổ đông vừa qua, nhiều cổ đông có ý kiến cho rằng bộ máy có 5 phó giám đốc, nhiều đầu mối và đề nghị PVM tinh gọn bộ máy, giảm số phòng ban, nâng cao năng suất lao động và sắp xếp lại lao động hợp lý hơn, thực hiện tốt hơn việc định biên lao động./.

Hồng Quyên