![]() |
Quy định về thời hạn giải ngân nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi cho các dự án PPP còn quá ngắn khiến không ít dự án không thể giải ngân đúng hạn. Ảnh tư liệu |
Nhiều lực cản trong quá trình triển khai
Tổng hợp báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2024 của Bộ Tài chính tại Văn bản số 7593/BTC-ĐT cho thấy, năm 2024 có 115 dự án PPP đang thực hiện đầu tư, nhưng có đến 66 dự án chậm tiến độ, 26 dự án phải điều chỉnh. Tổng giá trị thực hiện đạt 2.873 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm tới 2.187 tỷ đồng, còn lại vốn chủ sở hữu và huy động từ nhà đầu tư chỉ vào khoảng 611 tỷ đồng. Sự mất cân đối này phản ánh phần nào sức hút hạn chế của mô hình PPP đối với khu vực tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Một trong những tồn tại nổi bật là nhiều dự án PPP chưa thể khởi động do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư - yếu tố then chốt nhưng phụ thuộc lớn vào ngân sách địa phương. Trong khi đó, nhiều địa phương được giao làm cơ quan có thẩm quyền lại chưa tự cân đối được nguồn lực, dẫn đến phải trông chờ ngân sách trung ương, khiến tiến độ bị kéo dài. Ngoài ra, quy định về thời hạn giải ngân nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi cho các dự án PPP còn quá ngắn, không phù hợp với đặc thù chuẩn bị và triển khai các dự án lớn, khiến không ít dự án không thể giải ngân đúng hạn.
Với các dự án BOT giao thông, là loại hình phổ biến nhất hiện nay lại gặp vướng mắc đến từ các yếu tố như bất cập trong vị trí đặt trạm thu phí, mức phí thiếu linh hoạt, không được điều chỉnh theo đúng lộ trình đã cam kết. Theo Bộ Giao thông vận tải, việc không tăng phí đúng lộ trình hợp đồng BOT khiến doanh thu của nhiều dự án sụt giảm mạnh, tác động tiêu cực đến khả năng hoàn vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư.
Không chỉ vậy, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về tính hiệu quả của các dự án PPP còn thiếu rõ ràng. Việc công bố thông tin liên quan đến lợi nhuận nhà đầu tư, thời gian thu phí, mức độ tham gia của Nhà nước vẫn còn hạn chế, làm giảm niềm tin và sự chấp nhận của người dân. Ngoài ra, năng lực quản lý của các chủ thể tham gia cũng là một điểm nghẽn. Một số nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm vận hành, chưa đủ năng lực tài chính và kỹ thuật, dẫn đến việc phải điều chỉnh dự án nhiều lần ngay sau khi khởi công. Nhiều báo cáo nghiên cứu khả thi có chất lượng thấp, phải chỉnh sửa, bổ sung trong quá trình triển khai.
Luật PPP sửa đổi - "cởi trói" mạnh mẽ cho đầu tư tư nhân
Có thể thấy, đầu tư theo phương thức PPP được xem là công cụ hữu hiệu để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, chia sẻ gánh nặng đầu tư phát triển hạ tầng với ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả triển khai các dự án PPP trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Một số nguyên nhân chủ yếu gồm: thiếu ổn định trong chính sách pháp lý, phân bổ rủi ro chưa hợp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí vốn ngân sách đối ứng, thủ tục hành chính còn phức tạp…
Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tư nhân Theo mục tiêu của Chính phủ đề ra, đến năm 2030, cả nước phấn đấu có khoảng 5.000 km đường cao tốc. Một loạt dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị metro... sẽ được Nhà nước bố trí vốn đầu tư công. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư tư nhân tham gia đóng góp vào mạng lưới hạ tầng giao thông quốc gia thông qua phương thức PPP - vốn có nhiều ưu điểm đó là linh hoạt, bảo đảm tiến độ, chất lượng và kiểm soát trượt giá hiệu quả. |
Theo ông Phạm Thy Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Tài chính, việc sửa đổi Luật PPP và các luật liên quan mới đây theo hướng cắt giảm thủ tục, phân cấp mạnh mẽ, tăng ưu đãi là động thái tích cực. Tuy nhiên, để PPP thực sự hấp dẫn nhà đầu tư thì cần một hệ thống thể chế đồng bộ, minh bạch, đặc biệt là có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Đây là yếu tố then chốt để bảo đảm dự án PPP vận hành hiệu quả và bền vững.
Khắc phục những vướng mắc nêu trên, ông Phạm Thy Hùng cho biết, Luật PPP đã được sửa đổi, bổ sung liên tiếp tại Luật số 57/2024/QH15 và gần đây nhất là Luật số 90/2025/QH15 (sửa đổi, bổ sung 8 luật trong lĩnh vực tài chính), theo hướng mở rộng cơ chế, cắt giảm thủ tục và tăng cường phân cấp cho địa phương.
Một trong những điểm đột phá lớn là việc bãi bỏ quy định về quy mô vốn tối thiểu đối với dự án PPP. Đồng thời, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia được nâng lên đến 70% tổng mức đầu tư đối với một số nhóm dự án, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thúc đẩy triển khai các dự án lớn, có tính chất lan tỏa.
Đặc biệt, Luật số 90/2025/QH15 nhấn mạnh chủ trương phân cấp mạnh mẽ cho các bộ, ngành, địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và phê duyệt dự án PPP. Việc trao quyền cho bộ trưởng hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian xử lý hồ sơ, tăng tính chủ động và linh hoạt ở cơ sở.
Bên cạnh đó, luật cũng cắt giảm nhiều thủ tục trung gian không cần thiết. Cụ thể, bỏ quy định bắt buộc phải thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP; bỏ yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự; mở rộng các hình thức lựa chọn đặc biệt, chỉ định thầu, giao nhiệm vụ… Tất cả những thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch hơn để đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân.
Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, luật đã “mở đường” nhưng hiệu quả triển khai vẫn phụ thuộc vào quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, để PPP thực sự phát huy vai trò là kênh đầu tư chủ lực trong phát triển kết cấu hạ tầng, cần có những giải pháp đồng bộ hơn.
Với vai trò và chức năng của mình, Bộ Tài chính đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất. Trước hết, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động rà soát, cập nhật số liệu và chịu trách nhiệm toàn diện trước các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Những bất cập trong báo cáo hiện nay, như sự thiếu thống nhất giữa hệ thống thông tin của Bộ Tài chính và báo cáo từ các cơ quan địa phương, cần được xử lý dứt điểm để bảo đảm minh bạch và quản trị rủi ro.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư và truyền thông dự án PPP tới các nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước cần được tăng cường. Sự chia sẻ thông tin đầy đủ, kịp thời tới người dân cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao tính đồng thuận xã hội.
Một kiến nghị khác cũng rất đáng lưu tâm đó là cần sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình, nguồn vốn để thanh toán các dự án BT trong trường hợp giá trị quỹ đất nhỏ hơn giá trị công trình - một điểm nghẽn đang cản trở việc thanh, quyết toán nhiều dự án BT trước đây.
Cuối cùng, Bộ Tài chính đề cập đến việc tăng cường giám sát từ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng người dân sẽ giúp bảo đảm các dự án PPP được triển khai đúng cam kết, đúng trách nhiệm của các bên và minh bạch trong mọi giai đoạn thực hiện.
PPP góp phần xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp Trong nhiều năm trở lại đây, mô hình PPP đã được áp dụng trong nhiều dự án quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Đối với lĩnh vực nhà ở, PPP cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp. |