Tiếp tục đà tăng trưởng mạnh

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, xuất khẩu (XK) thủy sản tháng 2/2022 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh với mức tăng đột phá 62%, ước đạt 635 triệu USD. Theo đó, 2 tháng đầu năm, XK thủy sản của Việt Nam đã chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý I năm 2022: Xuất khẩu thủy sản sẽ mang về 2 tỷ USD

Một trong những điểm nhấn của bức tranh thủy sản trong 2 tháng đầu năm là kim ngạch XK mặt hàng cá tra tăng mạnh, đạt 384 triệu USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, XK cá tra còn tiếp tục tăng trong năm 2022, với mức tăng từ 20 - 25% so với năm 2021. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Doãn Tới - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Việt (An Giang) cho biết, giá cá tra hiện nay đang rất cao, người nuôi cá có lợi nhuận cao hơn so với trước tết và cao hơn cùng kỳ năm 2021 rất nhiều. Dự báo thời gian tới, trước căng thẳng Nga - Ukraine, giá xăng dầu tăng cao, sẽ kéo theo giá cá tra tiếp tục tăng.

Ông Trần Văn Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá nhận định, đà tăng của giá cá tra nguyên liệu và XK sẽ kéo dài đến tháng 4 và đỉnh điểm trong cuối năm 2022 - 2023. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn. Đây là cơ hội cho cá tra có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), ngành thủy sản đạt kết quả trên là do các doanh nghiệp đã đẩy mạnh XK nhiều loài thủy sản thế mạnh như tôm, cá tra... Sản xuất, chế biến thuỷ sản gần như đã trở lại bình thường như thời điểm trước dịch. Nhu cầu của các thị trường đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Giá nguyên liệu trong nước cũng tăng, nên cả ngư dân và doanh nghiệp đều lạc quan vào một năm bội thu, tất cả đều đang phấn khởi tích cực sản xuất.

Tận dụng tốt nhu cầu, gia tăng chế biến

Vasep cũng dự báo, XK thuỷ sản trong quý I/2022 có thể sẽ mang về khoảng 2 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch XK thủy sản năm 2022 sẽ đạt 9,2 tỷ USD.

Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình nhận định, triển vọng ngành thủy sản năm 2022 dự kiến tiếp tục lạc quan, với kim ngạch XK dự kiến đạt 9 tỷ USD. Theo các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này, kinh tế thế giới phục hồi và mở cửa trở lại, đặc biệt Mỹ và châu Âu (EU) nhờ đẩy mạnh tiêm vắc-xin sẽ thúc đẩy nhu cầu XK thủy sản của Việt Nam.

Không những vậy, ngành thủy sản còn được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đa phương, song phương. Ngay khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, một số mặt hàng tôm của Việt Nam XK sang EU có mức thuế suất 12 - 20% sẽ về 0% như tôm sú đông lạnh... Thống kê của Vasep cho thấy, trong năm 2022, Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn là những thị trường chính XK tôm của Việt Nam.

Đối với cá tra, EVFTA giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong dài hạn, thuế cơ bản của cá tra phile tươi, ướp lạnh giảm từ 9% xuống 0%; cá tra phile đông lạnh giảm từ 5,5% xuống còn 0%; các sản phẩm cá tra chế biến giảm từ 14% xuống còn 0% trong vòng 3 năm.

Tuy nhiên, cùng với cơ hội, triển vọng, ngành thủy sản gặp không ít thách thức như: giá nguyên liệu tăng; các thị trường lớn bị tác động bởi dịch Covid-19 và ảnh hưởng từ căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, thẻ vàng của EC chưa được tháo gỡ, lao động trong khai thác thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng…

Để khắc phục những khó khăn này, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Vasep cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt việc tăng nhu cầu trên thế giới để tăng thêm thị phần; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng. Như vậy, thủy sản Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục tạo được dấu ấn lớn.

Về thị trường, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York (Mỹ), khuyến nghị: “Việt Nam nằm trong top 5 nhà XK tôm lớn nhất tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm quảng bá hình ảnh và thương hiệu tôm tại thị trường Mỹ, thứ hai là quan tâm đến chất lượng, luôn đảm bảo được chất lượng theo yêu cầu khắt khe của phía Mỹ, cũng như đảm bảo nguồn cung để đáp ứng nhu cầu lớn của các nhà nhập khẩu”.

Ở góc độ cơ quan nhà nước, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường giới thiệu sản phẩm đối với các sản phẩm mới. Đây là việc cơ quan quản lý cùng hiệp hội ngành hàng sẽ chú trọng trong thời gian tới để doanh nghiệp tự tin mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường cho sản phẩm chế biến”.

Ngoài ra, theo Tổng cục Thủy sản, dự kiến trong năm nay, khi tình hình dịch Covid-19 lắng xuống, Ủy ban châu Âu sẽ kiểm tra trực tiếp việc khắc phục thẻ vàng của Việt Nam. Gỡ thẻ vàng là cách duy nhất để hướng tới một nghề cá bền vững và hội nhập, từ đó cải thiện đời sống ngư dân, đặc biệt là nâng vị thế và uy tín của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Dự báo năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội đạt tăng trưởng cao. Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO), tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới sẽ tăng 3,6% trong giai đoạn 2020-2030. Dự kiến, sản lượng thủy hải sản tiêu thụ sẽ mở rộng trên tất cả các châu lục do được thúc đẩy bởi thu nhập ngày càng cao, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, cải thiện kênh phân phối, đổi mới sản phẩm.