Giai đoạn 2023 - 2025: Sắp xếp 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị cấp xã

Theo tờ trình về dự thảo nghị quyết do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tại phiên họp, dự thảo nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều với các nội dung cơ bản như đối tượng thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, dự thảo nghị quyết quy định rõ, ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; khuyến khích việc sắp xếp ĐVHC không thuộc diện bắt buộc sắp xếp; Các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2030 do có các yếu tố đặc thù.

Sắp xếp đơn vị hành chính: Mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả bộ máy

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tại phiên họp

Theo đó, trong giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Số này chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.

​​​​​Dự thảo nghị quyết quy định kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do ngân sách địa phương bảo đảm; đồng thời ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các địa phương nhận bổ sung cân đối với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi ĐVHC cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi ĐVHC cấp xã giảm khi được UBTVQH quyết định việc thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2030.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết và các quy định của dự thảo nghị quyết. Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị trong các giai đoạn sau này, cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp xử lý, sắp xếp cả đối với những ĐVHC cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số quá lớn, gấp rất nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định nhằm bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước, phù hợp với năng lực của bộ máy chính quyền và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đối với quy định về kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC, ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc dự thảo nghị quyết quy định ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ các địa phương, trong khi khoản 2 Điều 22 dự thảo nghị quyết đã quy định “kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm” sẽ dẫn tới trùng lắp trong bố trí nguồn kinh phí.

Do đó, để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm tại Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm công bằng giữa các địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị quy định theo hướng: NSTW hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với mức hỗ trợ tối đa không quá 20 tỷ đồng cho mỗi ĐVHC cấp huyện giảm và tối đa không quá 500 triệu đồng cho mỗi ĐVHC cấp xã giảm để đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ việc sắp xếp ĐVHC.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách khi có nhu cầu hỗ trợ từ NSTW sẽ lập dự toán và thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN). Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ kèm căn cứ để các địa phương lập dự toán.

Mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả bộ máy, chất lượng dịch vụ công

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đạt được rất nhiều mục tiêu. Trong đó, phải giảm đơn vị hành chính góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, giảm được chi tiêu cho ngân sách; mục tiêu hướng đến là tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước là quan trọng nhất; đồng thời, tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Sắp xếp đơn vị hành chính: Mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả bộ máy
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Theo Chủ tịch Quốc hội, về cơ bản, hồ sơ dự thảo nghị quyết đã đáp ứng được các mục tiêu này, vấn đề đặt ra là quá trình quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện. Do đó đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ luôn luôn lưu tâm mục tiêu này nhất là đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, các tỉnh miền núi với diện tích lớn nhưng dân số lại ít, hay những đơn vị hành chính đô thị diện tích nhỏ nhưng dân số đông để có tính toán kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hiệu quả của sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là đo lường việc cắt giảm được bao nhiêu đơn vị hành chính, tinh giản được bao nhiêu biên chế mà điều quan trọng nhất là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền, chất lượng các dịch vụ công mà người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng và sự phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn được sắp xếp.

Về kinh phí thực hiện, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với việc trung ương cần có hỗ trợ nhưng cần tiếp tục rà soát để quy định theo hướng phải được lập dự toán và thể hiện trong dự toán của NSTW và không nên lấy trong dự phòng NSTW. Trường hợp phân cấp cho địa phương chi tiêu cần quy định rõ trong nghị quyết để địa phương có cơ sở thực hiện và có thể có định hướng rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là nội dung cần quy định kỹ lưỡng hơn bảo đảm phù hợp với Luật NSNN, đồng thời bảo đảm cho địa phương chủ động sử dụng, bởi sắp xếp đơn vị hành chính có nhiều việc phải làm chỉ địa phương mới hiểu rõ các nội dung cần chi tiêu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ nghiên cứu để biên tập kỹ hơn để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Báo cáo về kinh phí và sắp xếp tài sản công trong sắp xếp đơn vị hành chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát và căn cứ trên thực tế ở các địa phương, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ đề xuất mức hỗ trợ từ NSTW hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhằm bổ sung, cân đối ngân sách.

Căn cứ pháp lý của đề xuất này là điểm a khoản 5 Điều 20 Luật NSNN, theo đó, UBTVQH có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ NSNN. Kết luận số 48 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã có yêu cầu quy định rõ định mức phân bổ ngân sách đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Vì vậy mức hỗ trợ được quyết định dựa trên quá trình thực hiện trong 3 năm đối với các địa phương, nhận bổ sung cân đối từ NSTW. Với mức hỗ trợ đã định, căn cứ trên số đơn vị hành chính được sắp xếp, Chính phủ sẽ bổ sung cho các địa phương từ nguồn dự phòng NSTW.