tmdt

Vẫn còn lỗ hổng trong quản lý thuế thương mại điện tử. Ảnh minh họa:TL

* PV: Kinh doanh thương mại điện tử là một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Ông đánh giá thế nào về các cơ sở pháp lý của Việt Nam hiện nay với loại hình kinh doanh thương mại điện tử?

- LS. Choi Ji Ung: Hội nhập quốc tế tại Việt Nam thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Hiện nay, Việt Nam đã có một số văn bản pháp luật có nội dung điều chỉnh liên quan đến loại hình kinh doanh này, có thể kể đến như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ thông tin, Luật Quản lý thuế, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử.

Ngoài ra, còn có Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có những mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm khác nhau. Như vậy, nhìn chung Việt Nam đã có được khung pháp lý với các quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

* PV: Theo ông, cơ sở pháp lý này đã đảm bảo quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh thương mại điện tử?

- LS. Choi Ji Ung: Như đã nói ở trên, Việt Nam đã có khung pháp lý với các quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, một số bất cập trong các quy định pháp luật vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Cụ thể là thiếu chế tài cho các hành vi vi phạm khi kinh doanh thương mại điện tử qua mạng xã hội. Bên cạnh website thương mại điện tử, các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, được sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam. Hiện số người sử dụng các diễn đàn mạng xã hội để mua sắm trực tuyến cũng rất lớn. Do đó, quản lý các mạng xã hội kinh doanh thương mại điện tử cũng không kém phần cấp thiết. Thông tư 47/2014/TT-BCT đã có quy định về việc quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội nhưng lại không có các chế tài cụ thể cho hành vi vi phạm tương ứng tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Tiếp đó, quy định chưa rõ ràng đối với danh sách các website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Quy định hiện hành cho phép Bộ Công thương công bố công khai trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử danh sách các website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, quy định hiện hành không quy định chi tiết quy chế xác thực các phản ảnh đó, cũng như không có chế tài cho việc phản ánh sai sự thật, dẫn tới rủi ro các đối thủ cạnh tranh lợi dụng phản ánh lẫn nhau.

choi
"Ngành Thuế phải phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại để quản lý các nguồn tiền qua tài khoản được sử dụng cho các hoạt động quảng cáo qua Facebook, Youtube, Google,…; qua đó có thể xác minh được các đối tượng đang thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, từ đó có thể thực hiện quản lý đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động này".
LS. Choi Ji Ung

Bên cạnh đó, một số quy định chưa có sự rõ ràng, đồng bộ. Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định, các công ty có trang web bán hàng, các trang mạng xã hội phải đăng ký trên sàn giao dịch điện tử, mọi hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phải đăng ký với Cục Thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương. Cơ quan thuế phối hợp, lấy thông tin trên Cục Thương mại điện tử để theo dõi, nắm bắt hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, từ đó rà soát các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác để thu thuế.

Thế nhưng, hiện nay việc kê khai đăng ký với Cục Thương mại điện tử không nhiều. Nguyên nhân là do Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định trách nhiệm đăng ký là của doanh nghiệp mà không quy định trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm đăng ký mà vẫn không bị xử lý. Đó cũng là lý do ngành thuế thất thu vì không có nguồn dữ liệu doanh nghiệp điện tử để tính thuế.

* PV: Với hệ thống cơ sở pháp lý của Việt Nam hiện nay và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam, cần làm gì để việc quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử được hiệu quả, không bị thất thu thuế, thưa ông?

- LS. Choi Ji Ung: Để việc quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử được hiệu quả, không bị thất thu thuế thì trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý cho thương mại điện tử. Trên thực tế, pháp luật về thương mại điện tử là công cụ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng khi giải quyết các sai phạm, tranh chấp có liên quan.

Để thương mại điện tử phát huy thế mạnh của mình, các cơ quan lập pháp của Việt Nam cần bổ sung thêm các quy định về cách thức quản lý các mạng xã hội kinh doanh thương mại điện tử; phân quyền quản lý cụ thể, rõ ràng cho các cơ quan quản lý có liên quan; đưa ra các chế tài có sức răn đe tương ứng với các hành vi vi phạm.

Tiếp đó, cần phát triển hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử, đẩy mạnh hơn nữa các dịch vụ công như: hải quan điện tử; kê khai thuế và nộp thuế điện tử; thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu điện tử,…

Đồng thời, cần xây dựng một hệ sinh thái trong nội bộ các cơ quan chức năng để các cơ quan này có thể phối hợp, nắm bắt thông tin và có được sự đồng bộ trong việc quản lý các doanh nghiệp, các cá nhân là thương nhân thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Luyện