Sửa cơ chế kiểm soát, thanh toán gỡ vướng giải ngân vốn đầu tư công
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vân Phong - Nha Trang dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 2021–2025. Ảnh tư liệu

Nghị định đã thay thế các quy định không còn phù hợp

Trước đây, việc quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công (ĐTC) được quy định tại nhiều thông tư khác nhau của Bộ Tài chính. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn ĐTC (Nghị định 99), ngay sau đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2021/TT-BTC (Thông tư 96) quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn ĐTC đã tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, thống nhất trong thực hiện công tác này.

Tập hợp các vướng mắc sửa đổi phù hợp với thực tiễn

Bộ Tài chính hiện đang tập hợp các đánh giá việc thực hiện Nghị định 99 và Thông tư 96, cũng như vướng mắc và các đề xuất giải pháp xử lý của các bộ, ngành, địa phương để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành.

Đánh giá từ các bộ, ngành, địa phương cho thấy, với những quy định cụ thể nhiều nội dung mới liên quan đến việc quyết toán vốn ĐTC, Nghị định 99 và Thông tư 96 đã thay thế hoàn toàn các quy định trước đây không còn phù hợp. Đặc biệt, nghị định và thông tư đã tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, cơ quan thẩm tra quyết toán và người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn ĐTC dự án hoàn thành, góp phần quản lý hiệu quả nguồn vốn ĐTC.

Theo đó, Nghị định 99 đã quy định phạm vi điều chỉnh đối với các dự án sử dụng một phần, hoặc toàn bộ vốn ĐTC (trừ dự án có nguồn đóng góp bằng hiện vật, ngày công lao động, hoặc công trình hoàn thành, dự án thực hiện theo hình thức sử dụng vốn ĐTC hỗ trợ bằng vật liệu xây dựng, dự án sử dụng vốn ĐTC khác có quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…).

Nghị định 99 cũng quy định việc xác định chi phí kiểm toán độc lập, chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán là chi phí tối đa, thuộc nội dung chi phí khác trong tổng mức đầu tư được duyệt (hoặc điều chỉnh) của dự án. Đồng thời, Nghị định 99 cũng quy định bộ, cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn ĐTC. Không để nhà thầu có vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được tham gia đấu thầu dự án, gói thầu mới…

Còn Thông tư 96 của Bộ Tài chính quy định về mẫu biểu quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành áp dụng cho từng loại dự án, từng cấp quản lý và mẫu biểu báo cáo tình hình quyết toán vốn ĐTC dự án hoàn thành hàng năm.

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát, thanh toán vốn

Ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/4/2024 là 115.906,9 tỷ đồng. Ảnh: internet

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, thời gian gần đây, một số cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung trên tinh thần phân cấp quản lý. Đồng thời, tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 5/2/2024 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn ĐTC năm 2024, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ĐTC.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, để chủ động rà soát cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ĐTC, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 99 và Thông tư 96, các vướng mắc (nếu có) và đề xuất các giải pháp xử lý.

Ông Nguyễn Công Điều - Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đắk Lắk cho biết, là cơ quan thực hiện kiểm soát và thanh toán vốn ĐTC, trong quá trình thanh toán, quyết toán vốn ĐTC theo Nghị định 99 cũng đã có một số vướng mắc xảy ra. Đơn cử như, tại Nghị định 99, cơ quan KBNN thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán vốn ĐTC nguồn NSNN và nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước dành để đầu tư. Theo đó, hồ sơ kiểm soát, thanh toán vốn của dự án, tạm ứng vốn và thanh toán khối lượng hoàn thành được thực hiện theo quy định tại các Điều 9,10,11 của Nghị định 99. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) sẽ thực hiện kiểm soát thanh toán vốn từ nguồn thu hợp pháp dành để đầu tư của đơn vị mình. Tuy nhiên, tại Điều 25 Nghị định 99 quy định về quản lý, kiểm soát, thanh toán vốn thì việc kiểm soát, thanh toán của các ĐVSNCL đều cùng thực hiện tại các Điều 9,10,11 của Nghị định 99.

Như vậy, theo quy định này, KBNN không chịu trách nhiệm kiểm soát chi hồ sơ đối với các khoản chi đầu tư của ĐVSNCL. ĐVSNCL tự chịu trách nhiệm kiểm soát, thanh toán các khoản chi đầu tư của đơn vị mình. Tuy nhiên về quy trình, thủ tục giao dịch, thanh toán lại áp dụng tương tự như quy định đối với cơ quan KBNN mà chưa có hướng dẫn cụ thể, tách bạch về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, điều này gây lúng túng, khó khăn cho việc phối hợp thực hiện giữa cơ quan KBNN và ĐVSNCL.

Do đó, theo ông Nguyễn Công Điều, để khắc phục tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống hóa các quy định pháp luật nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong các quy định. Đồng thời, phân định trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các nguồn vốn trong ĐTC, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư nhằm tháo gỡ nút thắt trong tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhiều dự án trọng điểm quốc gia còn vướng mắc trong giải ngân

Năm 2024, 9 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải được giao kế hoạch vốn trên 93.843 tỷ đồng. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tính đến đầu tháng 5 vừa qua, 9 dự án ngân được trên 16.494 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 17,6% kế hoạch năm 2024.

Cũng theo báo cáo này, hiện các dự án này đang gặp phải một số khó khăn trong công tác giải ngân.

Cụ thể, đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), việc triển khai tại một số địa phương (Đồng Nai, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hưng Yên,…) vẫn còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ thi công. Việc di dời hệ thống đường điện cao thế chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu, nhất là các khu vực cần xử lý nền đất yếu. Thủ tục điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên chậm hơn so với yêu cầu, ảnh hưởng đến việc điều phối vật liệu cho dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Về vật liệu xây dựng cho thi công, thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cũng như trực tiếp nhiều lần làm việc với các địa phương để tháo gỡ. Hiện công tác cấp mỏ tại nhiều dự án đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên nguồn vật liệu đất đắp nền đường tại khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ vẫn còn chưa được giải quyết dứt điểm, việc sử dụng cát biển triển khai chậm, số lượng hạn chế.

Về thủ tục đầu tư, thành phố Hà Nội trong quá trình triển khai dự án thành phần 3 thuộc Dự án Vành đai 4 Hà Nội theo hình thức PPP gặp vướng mắc liên quan đến áp dụng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...

Đặc biệt, công tác triển khai thi công của một số dự án còn chậm so với kế hoạch đề ra do vướng GPMB, thiếu nguồn vật liệu đắp nền.