Đề xuất tăng lương hưu thêm 8% từ ngày 1/7 Gỡ vướng trong giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho người lao động

Đây là ý kiến của Ủy ban Xã hội nêu trong báo cáo trình bày tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chiều 27/3.

Tại báo cáo này, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương là sẽ “bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới”. Do bãi bỏ “mức lương cơ sở” nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh lương hưu và một số khoản trợ cấp theo quy định của luật hiện hành và không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng như một số chế độ quy định ở một số văn bản quy phạm pháp luật khác.

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Chưa đánh giá tác động của cải cách tiền lương
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp buổi chiều 27/3.

Đồng thời, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành, sẽ làm tăng phần chi ngân sách nhà nước đóng BHXH cho những đối tượng này. Việc khi thực hiện chế độ tiền lương mới cũng sẽ phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024.

Theo Ủy ban Xã hội, đến nay cơ quan này vẫn chưa nhận được báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bao gồm cả việc quy định việc thay thế về “mức lương cơ sở” đang hiện hữu trong nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư có liên quan (trong đó, có các chế độ trợ cấp được tính theo “mức lương cơ sở”).

Cân nhắc quy định bảo vệ người lao động khi doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, dự thảo luật dự kiến bổ sung quy định cơ chế có tính chất “đặc thù” để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động (Điều 41).

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đây là nội dung chính sách mới, cần được nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, chưa nên quy định ngay trong luật, nên tiếp tục nghiên cứu, nếu xét thấy cần thiết thì thực hiện thí điểm để giải quyết các tình huống cấp bách.

Trước mắt, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến các quy định có liên quan đến “mức lương cơ sở” được quy định theo hướng mức hưởng không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi luật này có hiệu lực và việc điều chỉnh theo quy định của Chính phủ; đồng thời, bổ sung vào khoản 12 Điều 142 về quy định chuyển tiếp nội dung Chính phủ quy định về mức tiền trợ cấp không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi luật này có hiệu lực và việc điều chỉnh.

Chưa thống nhất phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Cũng tại báo cáo này, cơ quan thẩm tra cho biết vấn đề hưởng BHXH một lần đến nay vẫn chưa có phương án ngã ngũ. Dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội gồm hai phương án.

Theo phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết số 93, đối với người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện. Nội dung này khác với quy định hiện hành là: dự thảo luật có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần.

Nhóm 2 là người lao động tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Chưa đánh giá tác động của cải cách tiền lương
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Ở phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Qua thảo luận và ý kiến của các cơ quan tham gia, đa số cho rằng phương án 1 do Chính phủ trình có nhiều ưu điểm. Song, có ý kiến đồng tình với phương án 2, với lý do không tạo “lát cắt” giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cũng ủng hộ phương án 1. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nữa ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và những phát sinh khi luật có hiệu lực thi hành;

Đối với phương án 1, cần xác định rõ hơn về điều kiện hưởng BHXH một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động và kết quả giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

“Mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm, dù lựa chọn phương án nào thì đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia BHXH. Đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài.” - báo cáo của Ủy ban Xã hội nêu rõ.

Báo cáo thẩm tra cũng như ý kiến đại biểu Quốc hội đều đề nghị bổ sung các nguyên tắc cơ bản về bảo hiểm hưu trí bổ sung. Tiếp thu ý kiến này, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung một quy định, theo đó, chuyển cho BHXH Việt Nam tổ chức triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung thay vì các doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ như quy định tại Luật BHXH hiện hành.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, đề xuất mới bổ sung chưa được lấy ý kiến của các bộ, ngành, chưa được Chính phủ xem xét và chưa được đánh giá tác động đầy đủ và còn một số vấn đề đặt ra cần phải được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng. Cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ cho ý kiến chính thức về nội dung này và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, quyết định.