Thêm nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào dầu khí Cần cơ chế đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí Sửa Luật Dầu khí: Hài hòa lợi ích để không lãng phí tài nguyên

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục xem xét, chỉnh lý để dự thảo luật bám sát các mục tiêu sửa đổi đã đề ra là tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Nâng cao năng lực doanh nghiệp dầu khí trong nước

Một trong những vấn đề đặt ra đó là việc quy định về sử dụng các dịch vụ dầu khí từ các nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Tại Điều 26 Luật Dầu khí năm 1993 có quy định: “Nhà thầu được quyền ký kết hợp đồng về dịch vụ dầu khí, nhưng phải ưu tiên ký kết những hợp đồng đó với tổ chức, cá nhân Việt Nam”. Tuy nhiên, hiện nay, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã không còn quy định nội dung này.

Tại Khoản 12, Điều 51, nghĩa vụ của nhà thầu tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) hiện đang lấy ý kiến chỉ quy định: “Tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả; báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí theo quy định của hợp đồng dầu khí và luật này”.

Trần Hồ Bắc
Ông Trần Hồ Bắc (ngoài cùng bên trái) giới thiệu về các dự án PTSC đang triển khai

Theo ông Trần Hồ Bắc - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), rất cần có quy định về tỷ lệ nội địa hóa cụ thể về cung cấp dịch vụ hàng hóa dầu khí trong luật, góp phần khuyến khích, hỗ trợ cho ngành công nghiệp dầu khí trong nước phát triển, nâng cao năng lực doanh nghiệp nội địa, tăng nguồn thu cho đất nước, đảm bảo tính chất đặc thù của ngành dầu khí.

Nêu ví dụ về sự phát triển từng bước của doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực dầu khí, ông Trần Hồ Bắc cho hay, từ những ngày đầu thành lập chỉ cung cấp những dịch vụ cơ bản, đến nay PTSC đã cung cấp hoàn chỉnh chuỗi dịch vụ cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn.

“Cách đây khoảng 20 năm, các dịch vụ của chúng tôi đều phải thuê nhiều người nước ngoài từ chuyên gia đến thủy thủ. Nhưng sau đó, chúng tôi đã từng bước nội địa hóa hết và đến nay đã xuất khẩu nhiều dịch vụ ra nước ngoài với các hợp đồng trị giá hàng trăm triệu đô la” - lãnh đạo PTSC chia sẻ.

Được biết, trong những năm gần đây PTSC xuất khẩu rất nhiều các dịch vụ ra nước ngoài, với tỷ trọng doanh thu từ cung cấp dịch vụ ra nước ngoài chiếm trên 70% tổng doanh thu của tổng công ty. Trong nhiều năm, tổng doanh thu của PTSC khoảng 20 - 30 ngàn tỷ đồng/năm; nộp ngân sách nhà nước ít nhất 1.000 tỷ đồng/năm; thu nhập người lao động bình quân khoảng 1.000 USD/ người/tháng cho đội ngũ hơn 8.000 người lao động.

Trên cơ sở phát huy các dịch vụ cốt lõi của mình, PTSC có khả năng thực hiện trọn vẹn một dự án dầu khí (từ cơ khí dầu khí, công trình công nghiệp, cung cấp, vận hành và bảo dưỡng kho nổi; vận chuyển - lắp đặt, vận hành - bảo dưỡng và sửa chữa công trình biển; căn cứ cảng dịch vụ; khảo sát địa chất, khảo sát và sửa chữa công trình ngầm; tàu dịch vụ dầu khí…).

Nhiều nước áp dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dầu khí trong nước

Trên thực tế, theo ông Nguyễn Tuấn - Trưởng ban Thương mại (PTSC), nhiều chính phủ và các công ty trong khu vực và trên thế giới cũng đã đưa ra nhiều quy định, chính sách để nhằm hỗ trợ các công ty trong nước.

Tại Malaysia, Tập đoàn Petronas (thuộc Chính phủ) quy định 3 cách để các công ty nước ngoài có thể đăng ký để tham gia cung cấp dịch vụ cho Petronas. Thứ nhất là chỉ định một công ty địa phương Malaysia làm đại lý; thành lập chi nhánh tại Malaysia; thành lập công ty liên doanh với một công ty địa phương.

Petronas cũng đưa ra Chương trình phát triển nhà cung cấp của Petronas, với mục đích hỗ trợ các công ty Malaysia nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển công nghệ kỹ thuật sản xuất.

Tại Brunei, chính phủ đưa ra chỉ thị về khung phát triển kinh doanh nội địa cho ngành dầu khí. Trong đó, mục tiêu là tăng sử dụng hàng hóa và dịch vụ địa phương, tạo và đảm bảo cơ hội việc làm cho lao động địa phương; tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Brunei.

Tại Indonesia, từ năm 2009, Chính phủ Indonesia đã có những quy định chung bảo hộ ít nhất 50% yếu tố nội địa trong các hoạt động khai thác, sản xuất và kinh doanh dầu khí. Bộ Năng lượng và khoáng sản Indonesia đã ban hành Quy định số 15/2013 - Điều 4 về việc tận dụng các sản phẩm nội địa trong hoạt động kinh doanh dầu khí. Mục tiêu thúc đẩy thu mua và sử dụng các nguồn hàng hóa nội địa Indonesia và tối ưu hóa năng lực sản xuất, cạnh tranh của ngành sản xuất nội địa Indonesia.

PTSC
Một khu nhà xưởng của PTSC tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ thực tiễn này, một trong các kiến nghị của PTSC là giữ nguyên nội dung quy định như tại Điều 26 - Luật Dầu khí 1993 và tiến tới bước quy định cụ thể hơn là ghi rõ tỷ trọng nội địa hóa trong các hợp đồng dầu khí. Đồng thời, cho phép Chính phủ ban hành và phê duyệt danh mục dự án đặc thù, riêng biệt và áp dụng các cơ chế đấu thầu dịch vụ đặc thù.

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, PTSC cũng mong muốn trong quá trình hoàn thiện, xây dựng hành lang pháp lý trong lĩnh vực này cần có quy định rõ về đầu mối quản lý và tỷ lệ nội địa hóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước tham gia và phát huy vai trò, năng lực của mình. Cũng giống như các dự án thăm dò, khai thác dầu khí, các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi sẽ đóng góp vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Xây dựng nền kinh tế tự chủ, đặt lợi ích quốc gia trên hết

Mục đích và quan điểm xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) được đề ra là phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.