Sửa luật để đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trong hoàn thuế giá trị gia tăng
Sửa luật để đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trong hoàn thuế giá trị gia tăng

Số thu tăng đều qua các năm

Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế GTGT sau 15 thực hiện đã đạt được các kết quả quan trọng, cũng như có những thay đổi theo đúng định hướng cải cách chính sách thuế của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020; giảm bớt thủ tục hành chính cho người nộp thuế (NNT) và cơ quan thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với việc chú trọng đến khuyến khích phát triển sản xuất, Luật Thuế GTGT còn góp phần tạo sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế, chống gian lận trong hoàn thuế thông qua khuyến khích phát triển các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt giữa các doanh nghiệp (DN), quy định điều kiện hoàn thuế GTGT, điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào để thúc đẩy hạch toán kế toán, sử dụng hoá đơn, chứng từ, nâng cao năng lực quản trị DN.

Đặc biệt, Luật Thuế GTGT đã quy định những điều kiện quan trọng để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, qua đó ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.

Mặt khác, Luật Thuế GTGT góp phần quan trọng, ổn định, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý cho ngân sách nhà nước (NSNN); cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản (dầu thô) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Bộ Tài chính đánh giá, từ năm 2013 - 2022, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng số thu về thuế GTGT vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm và ổn định về tỷ trọng thu trong tổng thu NSNN. Đơn cử như năm 2021, số thu thuế GTGT chiếm khoảng 23,6% tổng thu NSNN và năm 2022 khoảng 24,5%.

Mặc dù vậy, theo Bộ Tài chính, sự biến động nhanh của kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế đã khiến việc triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT bộc lộ một số hạn chế như: số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến các DN trong chuỗi cung ứng.

Việc áp dụng các mức thuế suất (0%, 5% và 10%) đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp; đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ).

Đã ban hành 3.017 quyết định hoàn thuế

Tổng cục Thuế cho biết, tính đến cuối tháng 2/2024, cơ quan thuế đã ban hành 3.017 quyết định hoàn thuế GTGT, với tổng số tiền thuế hoàn là 21.687 tỷ đồng, trong đó: Hoàn xuất khẩu là 19.749 tỷ đồng, đầu tư là 1.726 tỷ đồng, trường hợp khác là 212 tỷ đồng, bằng 12,7% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2024.

Quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào cần phải chặt chẽ hơn nữa để góp phần ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách... Do vậy, việc sửa đổi bổ sung Luật Thuế GTGT là cần thiết nhằm tháo gỡ bất cập, bảo đảm tính thống nhất, khả thi, và thuận lợi cho tổ chức thực hiện.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ luật hiện hành. Những nội dung sửa đổi, bổ sung đã bám sát theo 5 nhóm chính sách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, bao gồm hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về giá tính thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế GTGT.

Ngoài ra, thực hiện ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/12/2023 “Quy định về thuế GTGT nằm ở nhiều nghị định khác nhau, nên cần rà soát luật hóa tối đa, tránh tình trạng luật khung, luật ống, nhất là đối với luật về thuế”, dự thảo Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật đối với 4 nhóm chính sách là: NNT, thời điểm xác định thuế GTGT, phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp.

Đảm bảo chính sách minh bạch, thống nhất

Một trong những nội dung nổi bật được cộng đồng DN quan tâm tại dự thảo, đó là vấn đề hoàn thuế. Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định “cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng, hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT.

Đồng thời, quy định rõ dự án đầu tư được hoàn thuế GTGT là “dự án đầu tư (mới, mở rộng) theo quy định của pháp luật đầu tư (bao gồm cả dự án đầu tư được chia thành nhiều giai đoạn đầu tư, hoặc nhiều hạng mục đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không hình thành tài sản cố định) đang trong giai đoạn đầu tư”.

Sửa luật để đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trong hoàn thuế giá trị gia tăng
Giảm thuế giá trị gia tăng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh tư liệu

Ngoài ra, để đảm bảo chính sách minh bạch, tránh cách hiểu khác nhau, dự thảo Luật bổ sung rõ quy định: “Trường hợp dự án đầu tư đã hoàn thành (bao gồm cả dự án đầu tư chia thành nhiều giai đoạn, hạng mục đầu tư có giai đoạn, hạng mục đầu tư đã hoàn thành), nhưng cơ sở kinh doanh chưa thực hiện hoàn thuế GTGT phát sinh trong giai đoạn đầu tư (hạng mục đầu tư, giai đoạn đầu tư đã hoàn thành), thì cơ sở kinh doanh thực hiện hoàn thuế GTGT theo quy định trong thời hạn 1 năm kể từ ngày dự án đầu tư hoặc ngày giai đoạn đầu tư, hạng mục đầu tư hoàn thành. Ngày dự án đầu tư hoàn thành là ngày phát sinh doanh thu của dự án đầu tư hoặc ngày phát sinh doanh thu của hạng mục, giai đoạn đầu tư (đối với dự án đầu tư chia thành nhiều giai đoạn, hạng mục đầu tư)”.

Dự thảo cũng bổ sung quy định “dự án tìm kiếm, thăm dò, phát triển dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT đầu vào phát sinh trong giai đoạn đầu tư mà chưa được hoàn thuế và có số thuế chưa được khấu trừ còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT” để Luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại nghị định.

Đồng thời, sửa đổi quy định mặt hàng phân bón, tàu khai thác thủy sản vùng khơi, vùng biển và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế GTGT thành đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.

Cơ quan soạn thảo cũng bỏ quy định không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu không được hoàn thuế GTGT; hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với một số trường hợp hàng hóa xuất khẩu theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Đặc biệt, tại dự thảo, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT. Theo đó, khi thực hiện công vụ hoàn thuế, hoặc kiểm tra, thanh tra hoàn thuế, công chức thuế được loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp NNT cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu không trung thực, không chính xác mà tại thời điểm thực hiện hoàn thuế hoặc thời điểm kết thúc hoạt động kiểm tra, thanh tra hoàn thuế.

Bởi trong trường hợp này, công chức thuế không thể biết, hoặc không thuộc trách nhiệm phải biết về tính trung thực, chính xác do NNT cung cấp và công chức thuế đã tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thuế GTGT và pháp luật quản lý thuế, đã tuân thủ đúng quy định, quy trình về quản lý rủi ro hoàn thuế GTGT. Bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết điều kiện hoàn thuế để luật hóa quy định này đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật.

TS. NGUYỄN MINH PHONG - CHUYÊN GIA KINH TẾ:

Đánh giá cao những đề xuất sửa đổi trong dự thảo luật

Sửa luật để đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trong hoàn thuế giá trị gia tăng

Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được sửa đổi nhiều lần, tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng thời gian tới, chính sách thuế GTGT đã phát sinh một số hạn chế nhất định. Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm khắc phục những bất cập hiện nay do thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề mới.

Tôi đánh giá cao những đề xuất của Bộ Tài chính, bởi ngoài việc sửa đổi về mức thuế, tại dự thảo luật này sẽ sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế, cũng như cơ quan quản lý.

Thảo Miên (ghi)

ÔNG NGUYỄN ĐĂNG LỢI - TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY DỆT KIM ĐÔNG XUÂN:

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoàn thuế

Sửa luật để đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trong hoàn thuế giá trị gia tăng

Hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu, hàng năm doanh nghiệp (DN) được hoàn số thuế GTGT khá lớn. Tuy nhiên, năm 2022, trong bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của Công ty Dệt kim Đông Xuân, có một số hóa đơn mua vật tư của những DN cung cấp hàng hóa cho DN, nhưng không kê khai nộp thuế; DN đã ngừng nghỉ kinh doanh hoặc đã bỏ trốn, nên đã bị cơ quan thuế đưa vào diện rủi ro cao chờ xác minh. Bằng giải pháp loại bỏ những hóa đơn, chứng từ của những DN không còn hoạt động, chỉ hoàn thuế cho hóa đơn chứng từ hợp pháp, đến nay Công ty Dệt kim Đông Xuân đã được Cục Thuế TP. Hà Nội giải quyết hoàn thuế.

Việc Bộ Tài chính đang khẩn trương sửa đổi Luật thuế GTGT được cộng đồng DN rất quan tâm và kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác hoàn thuế. Việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong công tác hoàn thuế sẽ đã tạo điều kiện giúp DN có nguồn vốn quay vòng nhanh, nâng cao hiệu quả trong sử dụng vốn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Tuấn Nguyễn (ghi)