thuế xuất nhập khẩu

Dự thảo Luật đã sửa đổi bổ sung những quy định về ưu đãi thuế để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa

Không quy định khung thuế suất thuế xuất, nhập khẩu

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật là sửa đổi nguyên tắc, thẩm quyền ban hành Biểu thuế, thuế suất; quy định mức tối thiểu cho biểu thuế theo danh mục nhóm hàng chịu thuế thay cho khung thuế suất.

Bộ Tài chính cho biết, kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007), nước ta đã cam kết cho 100% số dòng thuế tại thời điểm gia nhập và phải cắt giảm hàng năm theo lộ trình cam kết. Đến nay lộ trình này cơ bản hoàn thành. Do đó, hiện cũng có những ý kiến cho rằng, việc quy định mức trần tối đa Biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu (NK) như hiện hành thực tế không có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, về mức thuế suất sàn (tối thiểu) thuế suất NK cũng bộc lộ bất cập. Cụ thể hiện nay, Việt Nam đã ký 10 Hiệp định FTAs với các nước, nhóm nước. Theo đó đã cam kết mức độ tự do hóa vào thời điểm cuối cùng (2018 -2020) trung bình vào khoảng 90% số dòng thuế, riêng Hiệp định Thương mại Hàng hóa Asean (ATIGA) với mức cam kết tự do hóa đạt 97%....

Về tên gọi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các biện pháp phòng vệ về thuế, theo Bộ Tài chính, do dự thảo Luật đã bổ sung nội dung quan trọng về các quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử để góp phần bảo vệ nền sản xuất kinh doanh trong nước trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Luật thuế XK, NK hiện hành đã có quy định các biện pháp về thuế nói trên trong nhập khẩu hàng hóa, nhưng chưa đầy đủ và mới dừng ở việc định danh về các biện pháp này. Việc bổ sung các quy định này trong dự thảo Luật nhằm phát huy các công cụ bảo vệ nói trên, nhưng vẫn trên cơ sở kế thừa, nâng cấp, bổ sung những quy định của Pháp lệnh liên quan thời gian qua.

Mức thuế suất thuế nhập khẩu thấp đối với các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) - nơi chiếm tới 2/3 tổng kim ngạch NK đã có mức thuế suất thuế NK 0% chiếm tới 90% số dòng thuế vào năm 2018 và vào năm 2028. Do vậy, việc xây dựng sàn thuế (tối thiểu) của Biểu khung thuế suất thuế NK như hiện hành là không phù hợp trong giai đoạn mới.

Trong khi đó, khung thuế xuất khẩu (XK), hiện đang trong quá trình đàm phán đối với phần lớn các mặt hàng áp dụng thuế XK. Do đó cần tiếp tục quy định mức thuế suất sàn đối với một số nhóm mặt hàng cần đánh thuế XK để góp phần bảo vệ tài nguyên trong nước, điều tiết hợp lý thu cho NSNN, đáp ứng yêu cầu đàm phán hội nhập trong thời gian tới cũng như trong giao thương kinh tế trên tinh thần đối xử có đi có lại.

Để khắc phục tất cả những bất cập trên, tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật và Danh mục nhóm hàng chịu thuế XK ban hành kèm theo Luật không quy định khung thuế suất thuế xuất, NK. Thay vào đó là quy định mức tối thiểu đối với một số nhóm hàng chịu thuế XK, đồng thời xây dựng 2 phương án về thẩm quyền xây dựng biểu thuế, thuế suất.

Theo đó, phương án 1 đề xuất vẫn giữ nguyên như hiện hành. UBTV Quốc hội ban hành mức tối thiểu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế XK; Thủ tướng Chính phủ ban hành mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành mức thuế cụ thể theo từng mặt hàng của Biểu thuế XK, NK ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, hạn ngạch thuế quan.

Phương án 2, sửa đổi theo hướng Quốc hội ban hành mức tối thiểu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế XK và ban hành kèm theo ngay trong dự thảo Luật này; Thủ tướng Chính phủ căn cứ nguyên tắc, tiêu chí của dự thảo Luật (Điều 10 dự thảo) ban hành mức thuế XK, NK cụ thể theo từng mặt hàng, thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, hạn ngạch thuế quan.

Khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu

Cùng với Biểu thuế và thẩm quyền ban hành Biểu thuế, cũng theo Bộ Tài chính, dự thảo Luật đã sửa đổi bổ sung những quy định về ưu đãi thuế để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, XK, xã hội hóa; miễn thuế, hoàn thuế.

Theo đó, tại khoản 11 Điều 11 dự thảo Luật sửa đổi quy định về miễn thuế nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được theo hướng: bổ sung thêm DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ cũng được miễn thuế nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong thời hạn 05 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.

Đồng thời quy định rõ việc miễn thuế NK đối với hàng hoá NK quy định tại khoản này không áp dụng đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB theo quy định của Luật thuế TTĐB; dự án sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, điều hòa, máy sưởi điện, tủ lạnh, máy giặt, quạt điện, máy rửa bát đĩa, đầu đĩa, dàn âm thanh, bàn là điện, ấm đun nước, máy sấy khô tóc, làm khô tay, rượu, bia, thuốc lá và những mặt hàng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, để khuyến khích sản xuất XK và hạch toán đúng thu NS, dự thảo Luật đã chuyển hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập để sản xuất xuất khẩu từ đối tượng hiện nay thực hiện thu thuế và hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế. Quy định này nhằm khuyến khích sản xuất XK, tạo giá trị gia tăng cao, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; đơn giản thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn bổ sung quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo.

Bổ sung quy định về miễn thuế đối với hàng hóa NK để sử dụng tại các đảo, quần đảo có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị, quốc phòng do UBTVQH quy định; máy móc, thiết bị, dụng cụ chuyên dùng phục vụ cho hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ do Bộ quản lý chuyên ngành công bố.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã sửa đổi thời hạn nộp thuế đối với người nộp thuế là DN ưu tiên theo hướng, DN chỉ phải kê khai nộp thuế 1 lần, không phải trả phí bão lãnh, giảm thời gian và chi phí cho DN.


N.P