Tài sản trí tuệ hỗ trợ nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tài sản trí tuệ của một doanh nghiệp thường gồm 3 phần: tiền vốn, tài sản hữu hình (nhà xưởng, trang thiết bị…) và tài sản vô hình. Tài sản vô hình chủ yếu là tài sản trí tuệ, uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp. Thể hiện của tài sản trí tuệ như thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ tiềm ẩn bên trong sản phẩm. Tài sản trí tuệ được xem là thước đo khả năng tồn tại, phát triển và hiệu quả hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp.

Tài sản trí tuệ, nguồn lực cho sự phát triển bền vững
Cục Sở hữu trí tuệ đã hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn.

Trong 5 năm gần đây, thông qua chương trình phát triển tài sản trí tuệ, có hơn 500 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ, trong đó: 21 sản phẩm được hỗ trợ từ chương trình của trung ương do Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì; 271 sản phẩm được hỗ trợ từ chương trình của các địa phương và hơn 200 sản phẩm được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác và xã hội hóa (kinh phí được bố trí từ nguồn kinh phí Chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm (OCOP), kinh phí cấp huyện, kinh phí của doanh nghiệp).

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi, mở đường cho việc tiếp cận các thị trường nước ngoài, góp phần khẳng định uy tín, giá trị thương hiệu của các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam trên bình diện quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột.

Thông qua hoạt động bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đã kết nối được các hộ nông dân từ hoạt động sản xuất đơn lẻ thành mô hình sản xuất tập trung, chặt chẽ và chuyên canh sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tạo dụng được công cụ quản lý và các căn cứ khoa học để định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, chất lượng.

Thúc đẩy Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Cục Sở hữu trí tuệ, đến nay, công tác bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ nói chung và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 nói riêng vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, các chủ thể Việt Nam chủ yếu là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chưa có nhiều đơn đăng ký sáng chế.

Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động, nhưng chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao. Đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn về quản trị tài sản trí tuệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ chưa được phát triển như kỳ vọng cả về số lượng và chất lượng.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 sẽ tập trung vào tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ...

Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, xác định năm 2022 là bản lề cho phát triển kinh tế khi bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, để thúc đẩy Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng điểm để tiến tới hoàn thành các mục tiêu chương trình phân kỳ đến năm 2025; nghiên cứu giải quyết các vấn đề còn vướng mắc liên quan đến phát triển tài sản trí tuệ ở phạm vi quốc gia như: thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số, hỗ trợ kiểm toán tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp.

Đồng thời, đăng ký bảo hộ và quản lý biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu cho từng giai đoạn. Trong đó, đến năm 2025, 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Đến năm 2030, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%; tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8 - 10%/năm.