Nhiều mặt hàng, thị trường kim ngạch tăng trưởng cao từ FTAs

Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, năm 2021 là năm rất khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta vẫn có nhiều điểm sáng kim ngạch xuất nhập khẩu của năm 2021 ước đạt 667,5 tỷ USD nhờ hiệu ứng từ các FTAs mà Việt Nam tham gia gần đây như Hiệp định EVFTA (Việt Nam - EU) và CPTPP (Hợp tác đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).

Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, nhiều mặt hàng chủ lực và thị trường xuất khẩu được duy trì và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Đáng chú ý, kể từ khi EVFTA có hiệu lực từ năm 2010 đến nay, xuất khẩu hàng hóa sang EU đã có sự cải thiện. Năm 2021, xuất siêu sang EU ước đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước.

Tận dụng tốt cơ hội từ các FTA xuất nhập khẩu thành công vượt bậc
Tận dụng tốt cơ hội từ các FTA xuất nhập khẩu thành công vượt bậc. Ảnh: TL minh họa

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 95,6 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu, tất cả các thị trường khu vực châu Á đều có sự tăng trưởng, đặc biệt là các nước ASEAN. Nhiều thị trường chính trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore đều có mức tăng trưởng tốt, khoảng trên dưới 20%. Còn tính chung cả khu vực thì kim ngạch xuất khẩu vẫn duy trì con số tăng trưởng khoảng 10%.

Về cơ cấu mặt hàng các nhóm mặt hàng như dệt may, da giầy hay các sản phẩm điện tử cũng duy trì kim ngạch xuất khẩu sang khu vực EU và châu Mỹ khá tốt.

Đối với Việt Nam, EU luôn nằm trong nhóm thị trường xuất khẩu và đối tác thương mại lớn nhất, trong đó các mặt hàng EU có nhu cầu nhập khẩu lớn đều là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ…

Thị trường Hoa Kỳ hiện nay vẫn là thị trường dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu và dự kiến hết năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sẽ chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhóm những thị trường mới như Mexico, Peru, Chile cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá cao, trên dưới 30%.

Năm 2022 - nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu

Cũng theo đánh giá của Bộ Công thương, năm 2022 mặc dù còn nhiều thách thức do dịch Covid-19 gây ra như gia tăng chi phí logistics, đứt gãy chuối cung ứng nhưng với sự thích ứng tốt của doanh nghiệp trong năm qua và đà phục hồi của kinh tế thế giới cho thấy còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu từ ưu đãi từ các FTAs.

Kinh tế EU đang trên đà phục hồi rõ nét, nhu cầu tiêu dùng gia tăng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng các ưu thế từ EVFTA để nâng cao thị phần, đẩy nhanh quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Trên thực tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ EVFTA qua việc sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi. Trong năm đầu tiên thực thi hiệp định, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp khoảng 207.682 chứng nhận C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 6.115 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Ngoài gia, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục mở ra cơ hội lớn để hàng hóa Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cũng chia sẻ, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2021 ước đạt gần 100 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường Hoa Kỳ.

"Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới với sức mua cao, đồng thời là thị trường có xu hướng tăng cả về giá cũng như quy mô; môi trường chính sách, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang có nhiều thuận lợi; nhu cầu và tập quán tiêu dùng phong phú theo thu nhập, đặc trưng văn hóa, vùng miền tạo nên dư địa lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác có hiệu quả" - ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTAs, Bộ Công thương tiếp tục tích cực thông tin, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi. Bên cạnh đó, bộ này hỗ trợ công tác xúc tiến xuất khẩu để doanh nghiệp có thể nắm bắt, chuyển hóa lợi ích từ hiệp định thành kết quả cụ thể.

Ngoài ra, để góp phần khôi phục năng lực sản xuất cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay chưa bị đẩy lùi hoàn toàn thì các hoạt động xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ như các hoạt động giao thương trực tuyến, thương mại điện tử đã được các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn và từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong xuất khẩu.