Vốn FDI thực hiện trong quý I đạt cao nhất trong 5 năm gần đây

Theo công bố của Tổng cục Thống kê sáng 29/3, GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I/2019.

Tăng trưởng GDP: Triển vọng khả quan trong cả năm 2022

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, với mức tăng 7,79% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,79%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2022 cũng tăng trưởng tích cực, tính theo giá hiện hành ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với quý I của các năm 2018 - 2022, cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Cụ thể, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng 36,7%

Tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) quý I/2022 cũng có nhiều khởi sắc, số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động tăng 34,5%. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy DN lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II/2022 với 82,3% DN đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I/2022.

Theo bà Phạm Thị Quỳnh Lợi - Vụ trưởng Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường, khảo sát nhanh về đời sống dân cư với 12.000 hộ gia đình cho thấy, 29,7% hộ gia đình cho biết có thu nhập quý I/2022 tăng hơn cùng kỳ năm 2021, hơn 26% có thu nhập giảm, 43,4% thu nhập vẫn ổn định. Điều này cho thấy đời sống dân cư dần ổn định trở lại. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, có 86,7% hộ gia đình đánh giá thu nhập giảm do ảnh hưởng của dịch.

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng của thời gian tới, ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, qua động lực tăng trưởng quý I, nhiều ngành sẽ tiếp tục được dự báo đạt mức tăng trưởng cao trong các quý tiếp theo của năm 2022 do tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới cơ bản đã được kiểm soát, du lịch đã mở cửa, sản xuất phục hồi, thu nhập của người lao động tăng lên... sẽ thúc đẩy các ngành dịch vụ thị trường phát triển mạnh trên nền tăng trưởng thấp hoặc âm ở 2 năm 2020 và 2021.

“Trên cơ sở kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I, Tổng cục Thống kê đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cho các quý còn lại trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục kéo dài và có thể nói, tăng trưởng GDP các quý còn lại của năm 2022 sẽ đạt kết quả khả quan hơn từ các giải pháp thực hiện trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dự báo, quý II sẽ có tăng trưởng cao hơn quý I, quý III tăng trưởng cao nhất do năm 2021 quý này tăng trưởng âm sâu và quý IV sẽ có mức tăng trưởng cao hơn quý I và quý II” - ông Lê Trung Hiếu cho biết.

Chỉ số giá tiêu dùng quý I tăng 1,92%

So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá. Còn so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3/2022 tăng 2,41%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá (giáo dục và bưu chính, viễn thông).

Tính chung, CPI quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021 do các yếu tố chính như giá xăng dầu đã điều chỉnh 7 đợt, giá gas trong nước tăng 21,04% so với cùng kỳ năm trước; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý I/2022 tăng 8,08% so với cùng kỳ năm, giá gạo trong nước tăng…

Lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.