Tăng trưởng nóng chỉ phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư
Thị trường chứng khoán càng minh bạch càng thu hút được nhiều nhà đầu tư.

PV: Quan sát thị trường chứng khoán Việt Nam, ông có bình luận gì về sự tăng nóng của thị trường gần đây, dù lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu, thưa ông?

TS. Hồ Quốc Tuấn: Mức tăng nóng của thị trường được dẫn dắt bởi hai yếu tố. Thứ nhất là do lãi suất trong nền kinh tế đang ở mức thấp và công việc của nhiều người vẫn đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Do đó người dân tìm kiếm cơ hội để “tiền đẻ ra tiền” một cách thông minh hơn và chứng khoán là một trong những kênh chính thống phổ biến.

Tăng trưởng nóng chỉ phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư
TS. Hồ Quốc Tuấn

Thứ hai, do mức độ phổ biến chứng khoán ngày một rộng rãi với các nhà đầu tư hơn trước. Tính đến tháng 10 năm nay, đã có hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán mở mới, cao gấp 2,75 lần so với con số đạt được trong cả năm 2020.

Hiện tượng này không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước, vì lạm phát được cho là sẽ còn tiếp tục tăng, đồng tiền mất giá, người dân cần tìm tài sản đầu tư để phòng ngừa lạm phát và cổ phiếu là một trong số ít lựa chọn. Như nhiều người ví von ở thị trường Mỹ, nhà đầu tư đang đến với chứng khoán vì trào lưu TINA (There Is No Alternative). Ở Việt Nam cũng có một tình hình tương tự.

PV: Sự tăng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây khiến cho nhiều người lo ngại sẽ có hiện tượng “bong bóng” chứng khoán sắp xì hơi. Ông nghĩ sao về lo ngại này?

TS. Hồ Quốc Tuấn: Khi một lượng lớn tiền đổ vào chứng khoán trong một thời gian ngắn thì việc giá chứng khoán tăng mạnh là bình thường. So với mức định giá đang nóng lên trên nhiều thị trường lớn của thế giới thì Việt Nam cũng không phải đang ở một mức định giá quá cao hay quá thấp. Tuy nhiên, một số cổ phiếu đầu cơ, không có hoạt động kinh doanh tốt thực sự có thể đang được đẩy quá cao. Một số điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu này là bình thường.

Nếu nhìn vào triển vọng hồi phục kinh tế có thể rất tốt sau dịch, thì đợt tăng nóng này chỉ phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về tình hình kinh doanh tốt của các doanh nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, khi chứng khoán tăng quá nhanh, nó sẽ để lại rất ít dư địa cho những “bất ngờ” như lạm phát tăng mạnh làm lãi suất tăng, hay việc một số nhà đầu tư có thể rút bớt tiền khỏi chứng khoán chuyển sang đầu tư bất động sản, hay tiến hành mua lại các tài sản thực khi kinh tế hồi phục. Dù vậy, khi nào chứng khoán có thể đón những dòng tiền mới, thì nó vẫn sẽ tăng điểm.

PV: Ngân hàng Phát triển châu Á mới đây có phát hành báo cáo Giám sát trái phiếu châu Á và đánh giá rằng, thị trường trái phiếu các nước ASEAN trong đó có Việt Nam đã cho thấy năng lực thị trường vững vàng trong đại dịch, khi quy mô thị trường tăng trưởng tốt. Điều này có ý nghĩa thế nào với thị trường chứng khoán của Việt Nam, thưa ông?

TS. Hồ Quốc Tuấn: Sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu nói riêng và chứng khoán nói chung cho thấy, chứng khoán đang dần giữ vai trò quan trọng hơn trong hệ thống tài chính, chia sẻ gánh nặng với ngân hàng trong việc huy động vốn và phân bổ vốn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu vẫn tồn tại một số bất cập mà gần đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2021/TT- NHNN đề “rào lại” các hoạt động này. Tôi cho rằng, nhìn về dài hạn, chúng ta vẫn cần tiếp tục hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý và các biện pháp kỹ thuật để thúc đẩy kênh trái phiếu phát triển.

PV: Thị trường chứng khoán quốc tế đã có những xáo trộn, thậm chí là đồng loạt lao dốc ở châu Á và châu Âu, khi biến thể mới của Covid-19 được công bố. Theo ông, biến thể mới này cộng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) siết chặt chính sách tiền tệ để kìm hãm đà tăng của lạm phát có tác động thế nào tới thị trường Việt Nam?

TS. Hồ Quốc Tuấn: Cho đến lúc này những diễn biến của thị trường quốc tế chủ yếu là do tính bất định của biến thể mới gây ra. Có thể nó sẽ buộc nhiều nước quay lại trạng thái hạn chế bay quốc tế, phong tỏa toàn quốc trở lại (như ở một số nước ở châu Âu) và tiếp tục gây đứt gãy chuỗi cung ứng, cộng với việc FED có ý muốn đẩy nhanh tốc độ giảm bơm tiền khiến cho thị trường quốc tế bất ngờ. Tuy nhiên, tính liên thông về lãi suất quốc tế và biến động của thị trường nước ngoài đến Việt Nam hiện tại không cao, một phần vì chúng ta vẫn đang hạn chế các chuyến bay với quốc tế và thị trường đang chủ yếu hút tiền từ các nhà đầu tư nội. Vì vậy, chỉ cần dòng tiền trong nước tiếp tục đổ vào chứng khoán thì ảnh hưởng quốc tế là không lớn.

Ngoài ra, tôi kỳ vọng ảnh hưởng của biến thể mới chủ yếu sẽ chỉ tác động trong giai đoạn mùa đông, khi mà các bệnh viện nhiều nước luôn quá tải. Qua khỏi giai đoạn này, mọi việc sẽ được hồi phục lại. Cho đến nay, chưa có gì khẳng định chủng mới sẽ nguy hiểm như những lo ngại ban đầu.

PV: Ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam ở giai đoạn nóng này không, thưa ông?

TS. Hồ Quốc Tuấn: Trong giai đoạn tăng trưởng nóng, điều cần thiết là nhà đầu tư không nóng vội, chạy đi mua cổ phiếu bằng mọi giá và mua ngay cả những cổ phiếu mình không biết rõ, không quan tâm công ty kinh doanh gì. Đầu tư qua cách chỉ đi hỏi xin 3 chữ cái từ người khác sẽ có rất nhiều rủi ro, nhất là trong giai đoạn tăng nóng.

Với nhà đầu tư, hiểu rõ mình đang mua doanh nghiệp như thế nào, vì sao nó đang “hút tiền”, tăng nóng, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào là rất quan trọng. Chạy theo tiền nóng không xấu, nhưng phải tính táo và thông minh, để mình “lướt sóng” chứ không bị sóng cuốn đi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quy mô thị trường trái phiếu của Việt Nam đã ở mức 83,6 tỷ USD

Theo báo cáo Giám sát trái phiếu châu Á, các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á đã chỉ ra rằng, trong quý III/2021, tăng trưởng thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam đã tăng tốc ở mức 8,1% so với quý trước, làm tăng quy mô thị trường lên tới khoảng 83,6 tỷ USD. Việc mở rộng nguồn cung trái phiếu tổng thể được cho là do trái phiếu chính phủ phục hồi từ mức suy giảm trong quý trước và trái phiếu doanh nghiệp duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ.