Nguồn vốn đầu tư công đi vào từng huyết mạch của nền kinh tế

Năm 2023, Hải Phòng là một trong những địa phương đạt kết quả ấn tượng về giải ngân đầu tư công. (trong ảnh: Cầu vượt Nguyễn Văn Linh, Hải Phòng). Ảnh: TL

Nguồn vốn đầu tư công đi vào từng huyết mạch của nền kinh tế
Ông Dương Bá Đức

PV: Năm 2023 là năm nhiều thách thức với hoạt động đầu tư công (ĐTC) vì quy mô vốn lớn, áp lực giải ngân cao. Kết thúc thời hạn giải ngân kế hoạch vốn năm 2023, cả nước giải ngân đạt gần 94% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Ông có đánh giá gì về kết quả này?

Ông Dương Bá Đức: Năm 2023, quy mô vốn ĐTC rất lớn vào khoảng hơn 800 nghìn tỷ đồng. Dự kiến đến 31/1/2024, cả nước giải ngân đạt gần 94%, mặc dù chưa đạt như mục tiêu đề ra nhưng tôi cho rằng đây là kết quả đáng mừng. Theo số liệu đánh giá tốc độ tăng trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng tốt và ĐTC đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, trong năm qua.

Để đạt được thành tích này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Theo đó, trong năm 2023 rất nhiều các giải pháp điều hành đã được triển khai. Cụ thể: Chính phủ đã ban hành 13 nghị quyết liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành về giải ngân vốn ĐTC. Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 công điện và 2 chỉ thị về thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC; duy trì hoạt động ban chỉ đạo nhà nước các công trình dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, đặc biệt là 5 tổ công tác của Chính phủ về thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công của cả nước tính đến ngày 31/1/2024 là 662.588,2 tỷ đồng, đạt 82,47% tổng kế hoạch vốn và đạt gần 94% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Song song với việc chỉ đạo là việc góp phần tháo gỡ cơ chế chính sách của các bộ, ngành liên quan. Đơn cử như trong năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tháo gỡ về việc chuẩn bị đầu tư đối với những dự án chưa bố trí vốn trung hạn; các dự án khởi công mới không bố trí vốn trong trung hạn nhưng đã bố trí trong tổng dự án. Bộ Xây dựng đã tích cực sửa đổi các nghị định theo tinh thần phân cấp mạnh cho địa phương với việc thẩm định thiết kế…

Công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng được các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện. Việc lựa chọn nhà thầu có năng lực thực sự để triển khai các dự án cũng được các bộ, ngành, địa phương hết sức chú trọng, do đó đã mang đến nhiều kết quả tích cực cho công tác giải ngân.

Đặc biệt là sự tích cực trong việc đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong công tác giải ngân tại các bộ, ngành, địa phương của 5 tổ công tác của Chính phủ. Sau khi được kiểm tra, đôn đốc, các bộ, ngành, địa phương đều có chuyển biến tích cực trong công tác giải ngân.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã giúp tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, đưa nguồn vốn ĐTC đi vào từng huyết mạch của nền kinh tế.

PV: Với tỷ lệ giải ngân trong năm 2023, ông thực sự có ấn tượng với bộ, ngành, địa phương nào đã giải ngân tốt?

Ông Dương Bá Đức: Theo cá nhân tôi, các bộ, ngành, địa phương có quy mô vốn lớn (bao gồm cả nguồn vốn được giao thêm) mà vẫn đạt tỷ lệ giải ngân cao đã thực sự tạo ấn tượng. Bởi họ đã phải nỗ lực gấp nhiều lần để giải ngân hết nguồn vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cũng như nguồn vốn được giao tăng.

Đơn cử như: TP. Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn ĐTC năm 2023 là 13 nghìn tỷ đồng, HĐND thành phố giao thêm 11 nghìn tỷ đồng. Hà Nội cũng là địa phương giao tăng kế hoạch vốn so với Thủ tướng Chính phủ giao khoảng 10 nghìn tỷ đồng… Tuy nhiên 2 địa phương này đều có tỷ lệ giải ngân rất tốt. Tính đến hết tháng 1/2024, Hà Nội đã giải ngân đạt trên 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Hải Phòng giải ngân đạt 138% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Còn đối với các bộ, tôi ấn tượng với Bộ Giao thông vận tải, bởi để “tiêu hết” khoảng gần 100 nghìn tỷ đồng không phải là việc đơn giản. Hơn nữa, Bộ Giao thông vận tải thực hiện các dự án cao tốc, trọng điểm quốc gia. Đối với những dự án này không phải cứ đưa tiền vào là được mà phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thi công.

PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì trong năm 2023, những hạn chế nào đã ảnh hưởng đến việc giải ngân, thưa ông?

Ông Dương Bá Đức: Hạn chế trong công tác giải ngân năm 2023 là một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp do có dự báo không chuẩn về khả năng thu ngân sách nên không đảm bảo được nguồn để giải ngân.

Nhưng tôi vẫn cho rằng, hạn chế lớn nhất nằm ở khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là tại các địa phương gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường tái định cư, do không có sự quyết liệt trong thực hiện nên vẫn bị vướng nhiều ở khâu này. Bên cạnh đó là năng lực nhà thầu, hiện nhiều địa phương, nhất là các địa phương miền núi hay bị vướng về lĩnh vực này.

Trong năm 2023, có nhiều dự án về công nghệ thông tin bị vướng không giải ngân được hoặc giải ngân rất thấp, do phụ thuộc vào các kỹ thuật chuyên ngành, phải đợi Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn. Đây là một yếu tố khách quan ảnh hưởng đến công tác giải ngân. Tuy nhiên, cuối năm 2023, các vướng mắc này đã được tháo gỡ và các dự án này đã được phê duyệt nên trong năm 2024 chúng ta sẽ giải ngân được hết khoản vốn này.

Bên cạnh đó là các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia do cơ chế chính sách chưa hoàn thiện kịp thời nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giải pháp để công tác giải ngân được thực hiện tốt ngay từ đầu năm

Theo ông Dương Bá Đức, năm 2024 quy định về ĐTC có chặt chẽ hơn, đó là phải đảm bảo việc giao vốn trước ngày 31/12/2023, còn sau thời hạn đó, Bộ Tài chính phải tổng hợp lại để báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật ĐTC.

Trên cơ sở đó, để đảm bảo tiến độ giải ngân, Vụ Đầu tư đã báo cáo Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ phân bổ kế hoạch vốn. Song song với đó là việc chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các giải pháp. Cụ thể, cơ quan tài chính khi nhận được kế vốn phải nhập trên Tabmis để làm cơ sở triển khai dự án. Cơ quan kho bạc nhà nước khi nhận được hồ sơ phải giải ngân ngay, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.

Đồng thời, Vụ Đầu tư Bộ Tài chính cũng khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc phân bổ vốn phải đặc biệt theo thứ tự ưu tiên. Đối với việc thu hồi vốn phải đảm bảo đúng theo các quy định. Các dự án còn nợ (dự án đã quyết toán nhưng còn thiếu vốn) phải bố trí đủ vốn.

Đặc biệt, Bộ Tài chính khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương phải tiên lượng được các dự án đang vướng ở đâu để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, việc bố trí vốn và đăng ký vốn cho dự án cũng phải khoa học và sát với thực tế triển khai. Ví dụ như dự án khởi công mới nên bố trí lượng vốn mức độ vì các dự án này cần thời gian để thực hiện GPMB, đấu thầu dự án. Đây là những công việc của năm đầu nên khả năng sử dụng vốn còn ít.

"Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cũng đặt mục tiêu giải ngân vốn ĐTC đạt 95%. Chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu này một cách khả quan bởi quy mô vốn ĐTC năm nay có hơn 600 nghìn tỷ đồng, thấp hơn năm 2023. Hơn nữa, với những kinh nghiệm giải ngân của năm 2023 - một năm nhiều áp lực sẽ giúp cho công tác giải ngân năm 2024 nhẹ nhàng hơn./.