Trái lại, việc thị trường điều chỉnh trong hai phiên cuối tuần khi gặp ngưỡng kháng cực gần 550 điểm khiến nhà đầu tư có lý do để lo ngại về khả năng điều chỉnh trở lại. Thậm chí trong con mắt của các nhà phân tích kỹ thuật, đợt tăng hơn một tuần này vẫn chỉ là một đợt phục hồi ngắn hạn trong xu thế giảm. Thị trường vẫn đang trong ranh giới mong manh của cơ hội phục hồi thật sự, hay chỉ là một đợt phục hồi kỹ thuật ngắn hạn.
Xu thế đầu cơ vẫn chi phối
Trong số hàng trăm cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong tuần qua, đều là những cổ phiếu có thị giá rất thấp, có mức sụt giảm rất sâu trước đó. Càng giảm mạnh càng lên khỏe là một nghịch lý của thị trường chứng khoán Việt Nam mà không dựa trên những yếu tố cơ bản nào. Đó là biểu hiện của hiện tượng đầu cơ ở mức độ cao.
Tại sao trong một xu thế phục hồi nếu thực sự diễn ra, dòng vốn lại có sự vận động ngược chiều như vậy? Bình thường, khi thị trường thoát khỏi xu thế giảm trung hạn, các cổ phiếu blue-chips vốn bị định giá thấp trong đợt giảm trước đó sẽ là những mã ổn định sớm nhất và tăng trước nhất. Biểu hiện của thị trường tuần qua lại là các cổ phiếu đầu cơ tăng trước.
Nguyên nhân chính là dòng vốn nóng vận động mạnh hơn các dòng vốn dài hạn, vốn thận trọng cao. Một điều cần khẳng định là trên cả phương diện thông tin vĩ mô, lẫn các yếu tố kỹ thuật, thị trường vẫn chưa xác lập được một xu thế tăng. Dòng vốn đầu cơ chấp nhận rủi ro cao để đầu cơ mạnh các mã nhỏ nhằm đánh vào lòng tham của nhà đầu cơ, khi mà nhìn vào mức giảm giá quá lớn, cảm giác giá đã rẻ đi rất nhiều.
Chẳng hạn DRH, cổ phiếu tăng mạnh nhất trên HSX tuần qua. Giá phiên cuối tuần vẫn chỉ ở mức 3.300 đồng, nhưng mức tăng trong tuần thực tế là 26,9%. Hay như SHN, cổ phiếu “đầu bảng” của HNX, đã tăng tuần qua tới trên 48%. Nếu tính từ điểm chạm đáy thấp nhất trong tuần trước, SHN thậm chí còn tăng gần 59%.
![]() |
Mới có dòng vốn nóng vận động mạnh trong tuần qua, chưa xuất hiện dòng vốn lớn. |
Rất khó để nói rằng những cổ phiếu như DRH hay SHN hấp dẫn về mặt cơ bản, đang trong diện bị định giá thấp. Tuy nhiên về mặt lợi nhuận, đây là hai cổ phiếu hàng đầu, đạt tỉ suất sinh lời ngắn hạn cao hơn rất nhiều các cổ phiếu khác, đặc biệt càng khác xa các cổ phiếu blue-chips.
Điểm khác biệt lớn nhất của các mã dạng này, là đã có mức điều chỉnh rất lớn trước đó và nằm trong danh sách những cổ phiếu thường xuyên được đầu cơ làm giá. SHN đã từng nổi như cồn với 19 phiên tăng trần liên tục trong tháng 12 năm ngoái. DRH trong 3 tháng đầu năm tăng 159%. Chỉ riêng hai tính chất này đã hấp dẫn các nhà đầu cơ.
Tuy nhiên khi xu thế đầu cơ các cổ phiếu nhỏ chi phối giao dịch trên thị trường, thì đó không phải là một biểu hiện của xu thế tăng trưởng bền vững. Dòng vốn nóng tạo lòng tham, nhưng đến lúc nào đó sẽ không còn đủ hấp dẫn nữa vì khi số lớn các nhà đầu cơ đều đã nắm giữ cổ phiếu, nguồn vốn đầu cơ giá lên sẽ thiếu hụt.
Ngay con số gần 90 mã thị giá thấp ở HSX và cũng khoảng 80 mã trên HNX đạt lợi nhuận rất cao cũng đã thể hiện xu thế đầu cơ diễn ra rộng khắp trong hơn một tuần gần đây. Trong khi đó các blue-chips đạt mức sinh lời rất thấp. HSX30 chẳng hạn, chỉ có 2 mã đạt lợi nhuận trong tuần trên 10% là KDC, khoảng 13,5% và IJC tăng gần 13%. HNX30 cũng chỉ có DCS, PVL tăng trên 19%, còn lại đều dưới 12%.
Mong muốn kiếm lời nhanh đã thúc đẩy dòng vốn đầu cơ tìm kiếm cơ hội có tính rủi ro cao. Còn các blue-chips, vốn tập trung nhiều hơn các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư tổ chức, lại tăng với mức độ rất thận trọng. Ngay việc phân bổ dòng vốn thiên lệch như vậy cũng cho thấy sự ứng xử của các dòng tiền lớn vẫn chưa thực sự lạc quan.
Thanh khoản và dấu hỏi về khả năng tạo đáy!
Một yếu tố quan trọng nữa thể hiện mức rủi ro cao của thị trường vẫn tồn tại, là thanh khoản chưa tăng đáng kể. Tuần này, giá trị khớp lệnh bình quân mỗi ngày chỉ có gần 1.860 tỷ đồng. Tuần trước, con số trung bình này là trên 1.900 tỷ/ngày.
Thanh khoản luôn là yếu tố đầu tiên thể hiện quan điểm của số đông nhà đầu tư trên thị trường. Nếu thanh khoản tăng liên tục và giao dịch ở mức cao, không có gì phải nghi ngờ về mức độ lạc quan cũng như đánh giá tích cực trong xu hướng chung.
Tuy nhiên có thể nhìn thấy rất rõ rằng thanh khoản tuần qua vẫn chưa có sự cải thiện. Cần chú ý là thị trường đã có được 8 phiên giao dịch khá tích cực sau khi VN-Index chạm mức gần 508 điểm. Mức tăng của chỉ số này cũng khá tốt, khoảng 2,3% trong tuần qua và khoảng 5,3% kể từ đáy. Kết hợp với mức tăng này là tình hình biển Đông đã lắng dịu hơn.
Vậy điều gì ngăn cản thanh khoản không có sự cải thiện rõ rệt? Yếu tố duy nhất có thể lý giải, là nhà đầu tư vẫn chưa thực sự tin tưởng vào một khả năng tạo đáy vững chắc. Trên phương diện kỹ thuật, thị trường mới tạo một đáy ngắn hạn, nhưng không có nghĩa là chu kỳ tạo đáy đã chấm dứt. Với mức sụt giảm tới hơn 15% của VN-Index kể từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, mức phục hồi hơn 5% mới chỉ được xem như một khả năng phục hồi kỹ thuật.
Chính vì khả năng tạo đáy thực sự chưa rõ ràng, chu kỳ tạo đáy chưa kết thúc nên chỉ số ít nhà đầu tư bỏ tiền vào mua trong những biến động tăng gần đây. Những nhà đầu tư khác vẫn giữ thái độ thận trọng, chờ đợi thêm các biểu hiện cụ thể khác về đáy của thị trường, đó là sự điều chỉnh kiểm tra đáy cũ.
Ngoài ra, việc mới có dòng vốn nóng hoạt động tích cực, trong khi dòng vốn lớn vẫn chưa tham gia nhiều, thể hiện ở các blue-chips vận động yếu, tăng rất nhẹ, chắc chắn thị trường chưa thể xác lập xu thế tăng rõ ràng. Không có xu thế tăng trưởng nào lại thiếu vắng các blue-chips và chỉ nhờ cậy vào các mã đầu cơ nhỏ.
Với hai phiên điều chỉnh cuối tuần, thị trường có thể bắt đầu đi vào chu kỳ điều chỉnh kiểm tra đáy. Đây là giai đoạn thông thường xảy ra, sau nhịp phục hồi tạo đáy đầu tiên. Các dòng tiền lớn bắt đầu quan sát chu kỳ điều chỉnh này để nhận diện các yếu tố chắc chắn của đáy, và bắt đầu tham gia thị trường.
Ranh giới mong manh giữa một khả năng tạo đáy thực sự, với một đợt phục hồi kỹ thuật đang hiện hữu. Thị trường có thể nghiêng về phía xác lập đáy thực sự, nếu dòng vốn lớn chấp nhận tham gia thị trường những phiên giảm kế tiếp. Ngược lại, nếu dòng vốn vẫn đánh giá rủi ro ở mức cao, thị trường có thể kết thúc nhịp phục hồi kỹ thuật và tiếp tục điều chỉnh sâu hơn.
Khánh Nhi