Thị trường hàng hóa: Tiếp tục rung lắc trong phiên giao dịch đầu tháng 5
Thị trường hàng hóa: Thị trường cà phê chứng kiến đà giảm giá mạnh. Ảnh minh họa

Giá cà phê lao dốc hơn 4%

Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, 6/9 mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp đồng loạt giảm giá, dẫn dắt xu hướng suy yếu của toàn thị trường. Trong đó, thị trường cà phê chứng kiến đà giảm giá mạnh khi áp lực tỷ giá đè nặng lên thị trường Brazil. Chốt phiên, giá cà phê Arabica hợp đồng tháng 7 đánh mất 4,02%, xuống còn 8.480 USD/tấn; trong khi cà phê Robusta hợp đồng tháng 7 trên sàn London lao dốc 4,53%, chốt ở mức 5.126 USD/tấn.

Áp lực giảm giá chủ yếu đến từ diễn biến tăng mạnh của đồng USD, khi tỷ giá USD/Real trong ba phiên gần nhất đã tăng tới 7,3%. Tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu hạ nhiệt sau thông tin hai nước đang tiến hành đàm phán về các vấn đề thuế quan cùng với việc chỉ số sản xuất ISM của Mỹ trong tháng 4 giảm ít hơn dự kiến đã củng cố đà tăng của chỉ số DXY.

Ở chiều ngược lại, tâm lý lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ trong tương lai của các nhà nhập khẩu lớn như Starbucks, Hershey và Mondelez International cũng gây áp lực lên giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp, trong đó có cà phê.

Lượng cà phê Arabica chế biến ướt (certified washed Arabica) được chứng nhận và lưu trữ trên sàn New York trong ngày 1/5 tăng thêm 7.407 bao loại 60kg, tương đương mức tăng 0,91%, lên 821.075 bao. Trong đó, khoảng 758.070 bao được lưu trữ tại châu Âu, chiếm 92,3% tổng lượng tồn kho, số còn lại lưu trữ tại Mỹ. Đáng chú ý, 452.968 bao, tương đương 55,1% lượng cà phê đăng ký, là Arabica Brazil. Lượng cà phê đang chờ phân loại vào ngày 2/5 là 78.504 bao.

Giá dầu chấm dứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp

Theo ghi nhận từ MXV, đà giảm của thị trường dầu thô thế giới kéo dài 3 phiên liên tiếp đã tạm dừng trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường ghi nhận lực mua quay trở lại trong bối cảnh những căng thăng giữa Mỹ và Iran được xoa dịu.

Kết thúc phiên, giá dầu Brent tăng 1,75% lên 62,13 USD/thùng, còn dầu WTI cũng nhích 1,77% lên 59,24 USD/thùng, dù vẫn chưa lấy lại mốc 60 USD/thùng.

Động lực hỗ trợ giá dầu chủ yếu đến từ thông tin Oman – quốc gia trung gian cho các vòng đàm phán trước đây giữa Mỹ và Iran thông báo hoãn vòng đàm phán thứ 4 dự kiến diễn ra ngày 3/5 tại Rome (Italia) với lý do hậu cần.

Trước đó, 3 vòng đàm phán tại Oman và Italia đều ghi nhận một số tín hiệu tích cực, song mỗi khi tiến gần tới thỏa thuận, Mỹ lại công bố thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành dầu mỏ và hóa dầu của Iran, tiếp tục duy trì chính sách “gây áp lực tối đa” của Tổng thống Trump xoay quanh các tranh cãi về chương trình hạt nhân của Tehran. Hiện chưa có thông tin về khả năng nối lại vòng đàm phán thứ tư, khiến nguy cơ nguồn cung dầu thô từ Iran bị thắt chặt vẫn còn bỏ ngỏ. Điều này càng trở nên đáng chú ý khi sản lượng của OPEC+ trong tháng 4 bất ngờ giảm 200.000 thùng/ngày, trái ngược với kế hoạch tăng 138.000 thùng/ngày, chủ yếu do sự sụt giảm mạnh từ Venezuela - quốc gia cũng đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Sau khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Mỹ giảm lần đầu tiên trong vòng 3 năm, thì trong công bố mới nhất vào ngày hôm qua theo giờ địa phương, chỉ số PMI tháng 4 của nhóm ngành sản xuất đã không tăng như kỳ vọng trên thị trường; thậm chí, đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu và đề nghị tiếp tục trợ cấp thất nghiệp đều đã tăng. Hàng loạt các chỉ báo tiêu cực về nền kinh tế lớn nhất thế giới đang kìm hãm đà tăng giá dầu.