Ngân hàng thoái lui, VIC, VHM cùng giảm

Trong số các cổ phiếu dẫn dắt VN-Index vượt đỉnh 1500 điểm hôm qua, chỉ còn sót lại GAS tăng 3,04% là đáng kể. Cổ phiếu này cũng không hẳn đại diện cho nhóm dầu khí, vì PLX lại giảm 0,36%, PVD giảm 0,16%, PVC giảm 2,91%... GAS còn tăng có lẽ vì đây là cổ phiếu trụ.

Bộ đôi cực khỏe hôm qua là VIC và VHM, phiên này giảm nhiều. VIC "bốc hơi" 0,99% còn VHM giảm 1,29%. Ngược lại, VRE tăng kịch trần. Cả hai mã này vẫn có thêm một nhịp tăng nữa trong ít phút đầu phiên sáng nay, VIC tăng thêm 1,19%, VHM tăng thêm 0,94% trước khi quay đầu.

Thị trường lùi bước, cơ hội cho dòng tiền đến sau?
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Diễn biến này không có gì bất ngờ vì các cổ phiếu trụ tăng quá nhanh trong 1 phiên rất khó đi lên liên tục. Như VIC giảm hơn 11% (tính theo giá đóng cửa) trong 22 phiên thì riêng hôm qua đã tăng 6,2%. Rất nhiều nhà đầu tư mắc kẹt cả tháng nay sẽ có nhu cầu thoát ra.

Điều bất lợi cho VN-Index chính là khi VIC, VHM và nhiều mã lớn khác giảm, lại chỉ có GAS tăng được. Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt điều chỉnh, nhiều mã rơi khá mạnh: VCB giảm 1,27%, TCB giảm 0,79%, VPB giảm 1,53%, MBB giảm 1,37%, HDB giảm 1,93%, ACB giảm 2,03%, TPB giảm 1,75%, BID giảm 0,94%... Đó là chưa kể MSN giảm sốc 5,29% sau khi đạt đỉnh cao lịch sử và có 8 phiên đi ngang không thể lên cao hơn được.

VN30-Index giảm hôm nay tới 0,82%, mạnh hơn nhiều so với VN-Index giảm 0,2%. Sự khác biệt này thể hiện hai điều: Thứ nhất, vẫn đang có trụ bù trừ co kéo cho VN-Index, dù không thể đủ để cân bằng ở nhóm giảm. GAS, GVR, SAB là tiêu biểu. Thứ hai, VN-Index vượt đỉnh lịch sử nhưng điều quan trọng hơn vẫn là VN30-Index vượt đỉnh, vì ảnh hưởng của các cổ phiếu vốn hóa lớn là rất đáng kể tới xu hướng chung. VN30 hôm nay quay trở lại vùng đỉnh lịch sử - do chỉ số này chậm nhịp so với VN-Index – và các mã trong rổ điều chỉnh ngay lập tức hạ nhiệt chỉ số chính.

Hiện tượng tăng nóng quay lại với các cổ phiếu vừa và nhỏ khi sàn Hose có tới 34 mã kịch trần và VN30 đóng góp duy nhất VRE. Các mã smallcap tím hàng loạt, giao dịch tiêu biểu là FCN, LDG, ROS, TLD, CMX... Điều này cho thấy dòng tiền đầu cơ vẫn còn hoạt động mạnh tại đây.

Điều chỉnh là cơ hội?

Việc thị trường lùi một bước sau khi vượt đỉnh không phải là tín hiệu gì nguy hiểm. Luôn có những nhà đầu tư muốn thoát khỏi thị trường, đặc biệt những người đã nắm giữ cổ phiếu thua lỗ thời gian dài, đột ngột được “giải thoát”. Lực bán thường tăng ngay sau phiên kế tiếp ngày bùng nổ.

Hôm nay sàn Hose duy trì được độ phân hóa khá tốt, với tỷ lệ tăng/giảm khoảng 0,92/1. Riêng blue-chips VN30 thì giảm áp đảo. Ít nhất nhà đầu tư cũng có cơ hội gần tương đương để tranh được phiên điều chỉnh hôm nay, nếu nhìn vào danh mục cổ phiếu.

Điểm nhấn phiên này là thanh khoản gia tăng khá tốt. Sàn Hose giao dịch vọt lên gần 33 ngàn tỷ đồng (gồm cả thỏa thuận) và riêng khớp lệnh khoảng 30,6 ngàn tỷ đồng. Để thấy rõ hơn sự gia tăng này, cần nhìn vào mức bình quân giai đoạn trước: Tuần cuối tháng 12/2021, giao dịch khớp lệnh bình quân ở HoSE chỉ khoảng 23,2 ngàn tỷ đồng/phiên. Trong 5 tuần trở lại đây, không tuần nào mức khớp lệnh bình quân vượt quá được 30 ngàn tỷ đồng/phiên. Thanh khoản tăng sau khi thị trường vượt đỉnh lịch sử là dấu hiệu tốt.

Thực ra rất nhiều nhà đầu tư tuân thủ kỷ luật về sự kiện vượt đỉnh và chờ đợi thị trường xác nhận điều đó mới mua vào. Vn-Index đã vượt đỉnh hôm qua, nhưng hoàn toàn có thể chỉ là “giả”, nếu như thị trường sụt giảm trở lại dưới đỉnh. Về mặt kỹ thuật nhịp lùi này là “kiểm định lại” đỉnh 1.500 điểm, vốn đã trở thành ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật. Dòng tiền đến sau sẽ lựa chọn cơ hội mua ở nhịp điều chỉnh này, khi thị trường xác nhận thật sự đã vượt đỉnh.

Thị trường lùi bước, cơ hội cho dòng tiền đến sau?

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

30.618 tỷ đồng (+16%)

987 triệu (+18%)

3.907 tỷ đồng (+40%)

131,9 triệu (+36%)