Tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tăng 7%

Khảo sát, thống kê của Bộ Công thương ghi nhận, thị trường hàng hóa tháng 10/2023 sôi động hơn khi nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình tăng vào giai đoạn chuyển mùa. Các hệ thống phân phối bán lẻ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng tiêu dùng trong dịp lễ 20/10, nhằm thúc đẩy tiêu dùng.

Thị trường trong nước xuất hiện nhiều gam màu tươi sáng
Thị trường trong nước xuất hiện nhiều gam màu tươi sáng. Ảnh: Hải Anh

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng sức mua trên thị trường đã xuất hiện "gam màu" tươi sáng.

Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng của năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 12%; Bình Dương tăng 10,2%; Khánh Hòa tăng 9,9%; Đồng Nai tăng 9,8%; Cần Thơ tăng 9,4%; Hải Phòng tăng 9,3%; Đà Nẵng tăng 7%; TP. Hồ Chí Minh tăng 5,9%; Hà Nội tăng 5,4%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2023 ước đạt 536,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% (so với cùng kỳ năm trước), do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục, đồ dùng gia đình tăng khá cao và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.

Tính chung 10 tháng năm 2023, tình hình thị trường trong nước về cơ bản tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa trong nước được bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và so với giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,7%).

Trong đó, mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 11,2%) và nhóm hàng du lịch, dịch vụ (tăng từ 10,4 - 47,6%) do nhu cầu các dịch vụ này vẫn đang tiếp tục phục hồi sau dịch bệnh Covid-19; các nhóm hàng khác tăng từ 5,5 - 13,6%.

Đảm bảo hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán 2024

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Thị trường trong nước xuất hiện nhiều gam màu tươi sáng

Doanh nghiệp tung ra các chương trình khuyến mãi góp phần kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm 2023. Ảnh: Hải Anh

Hiện nay, một số địa phương như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024, nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân tốt nhất với giá cả bình ổn.

Đồng thời, ngành Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, dịp tết 2024 này không lo thiếu hàng, tăng giá. Bởi lẽ, nhu cầu tiêu dùng của người dân theo thông lệ sẽ tăng lên trong những ngày giáp tết, tuy nhiên, nhu cầu mua tích trữ hàng hóa giảm dần do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng.

Với sự chuẩn bị nguồn hàng dồi dào của các doanh nghiệp, công tác chỉ đạo, điều hành cùng với chương trình bình ổn thị trường tại nhiều địa phương sẽ bảo đảm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu người dân.