Tọa đàm "Giải pháp toàn diện cho khu công nghiệp và đô thị bền vững" đã diễn ra tại Trung tâm vận hành Keppel, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh ngày 27/8/2024.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Thành Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Edeec, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ (IRAT) cho rằng, việc tối ưu hóa năng lượng không chỉ là một mục tiêu cần thiết trong bối cảnh phát triển bền vững, mà còn là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn tài nguyên.

Hiệt tại, với các doanh nghiệp đang hướng tới Net Zero thì việc thiết kế hiệu quả năng lượng song hành với đánh giá hiệu quả kinh tế sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu Net Zero. “Hiện nay có nhiều giải pháp thiết kế kinh tế năng lượng góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu bền vững, không tạo thêm gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu, thậm chí có thể giảm tổng mức đầu tư; đồng thời rất có lợi về dài hạn và đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sản phẩm có tính thân thiện môi trường” - ông Vũ thông tin.

Còn bà Lê Phương Anh - Giám đốc Chương trình Công trình bền vững Việt Nam (SBVN) thì cho rằng, định hướng Net Zero và lộ trình giảm phát thải CO2 đều là những mục tiêu mới không chỉ đối với Việt Nam mà với toàn thế giới.

Thiết kế tối ưu hóa năng lượng là giải pháp phát triển bền vững cho khu công nghiệp và đô thị
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, thiết kế tối ưu hóa năng lượng là giải pháp phát triển cho khu công nghiệp và đô thị bền vững. Ảnh Hoàng Dương.

Việt Nam cần được tiếp cận những phương pháp thiết kế, các phương thức tính toán, những công cụ mới để đạt được mục tiêu này, đặc biệt đối với ngành xây dựng công trình khi các toà nhà hiện chiếm đến trên 40% tổng tiêu thụ điện của toàn quốc gia. “Tuy vậy, các nhà đầu tư, nhà phát triển dự án khu công nghiệp, khu đô thị, … còn có nhiều nghi ngại, nhiều vấn đề lấn cấn khi tiếp xúc với các công cụ và nguyên lý mới” - bà Phương Anh nhận định.

Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc được tổ chức tại Glasgow (COP26) năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố cam kết dần loại bỏ nhiệt điện than đến năm 2040 và đạt phát thải carbon ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050.

Cũng theo bà Phương Anh, thị trường công trình xanh và bền vững tại Việt Nam chỉ có thể phát triển mạnh, giúp góp phần vào mục tiêu Net Zero 2050 nếu nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật cho dự án và nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

“Do đó, thông qua các hoạt động đào tạo, chia sẻ, nâng cao năng lực, nhận thức và hỗ trợ kỹ thuật cho các cá nhân, đơn vị quan tâm đến phát triển bền vững, chương trình SBVN sẽ thúc đẩy sự phát triển của công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam, hỗ trợ thiết kế các toà nhà đầu tiên đạt Net Zero Energy” - Giám đốc SBVN cho biết thêm.

Thiết kế tối ưu hóa năng lượng là giải pháp phát triển bền vững cho khu công nghiệp và đô thị
Theo thống kê đến hết quý II/2023, Việt Nam có gần 300 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2. Ảnh minh họa.

Cùng quan điểm với các chuyên gia tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Founder Sen Vàng Group, có những chia sẻ các phương pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp và khu đô thị.

Theo bà Bích Ngọc, ngày nay để chủ đầu tư hay nhà phát triển dự án ghi điểm với công chúng thì việc tập trung vào việc xây dựng chiến lược xanh - phát triển bền vững là hết sức quan trọng.

“Để đạt được sự bền vững trong kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải tích hợp chiến lược xanh vào kế hoạch phát triển của mình như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả, tối ưu hóa quản lý tài nguyên,…” - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay.