Dệt may

Dệt may là một trong những lĩnh vực thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2015.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chất lượng nguồn vốn mới là quan trọng, do đó, nguồn vốn FDI nội khối ASEAN vào Việt Nam thời gian tới cần được lựa chọn, nhằm phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như mang lại lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư.

Nhiều lợi thế

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2015, đã có 7 quốc gia trong khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam là: Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines và Lào. Các nước khu vực ASEAN đã có 197 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 11 tháng qua gần 4 tỷ USD. Lĩnh vực thu hút được nhiều dự án của nhà đầu tư ASEAN là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, kinh doanh bất động sản…

Bình luận về xu hướng dòng vốn FDI khu vực ASEAN chảy mạnh vào Việt Nam thời gian gần đây, ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho rằng, sự hấp dẫn của Việt Nam đến từ nền tảng chính trị ổn định, dân số vàng, thị trường trong nước có tiềm năng lớn... Cùng với hàng loạt cải cách về môi trường đầu tư - kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung, trong đó có cạnh tranh thu hút vốn FDI đã có cải thiện đáng kể.

Theo Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 -2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố mới đây, Việt Nam được ghi nhận có sự tiến bộ đáng kể so với xếp hạng 2014 -2015 với bước nhảy vọt 12 bậc, từ vị trí 68 lên 56. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và có vị trí cao hơn một số nước như Lào, Cam-puchia, Myanmar.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng có lợi thế so với các nước ASEAN khác trong quan hệ cạnh tranh thu hút FDI. Chẳng hạn như, Thái Lan có lợi thế nhưng một phần thị trường đã bão hòa, nhân công có chi phí ngày càng cao, bất ổn chính trị. Còn In-donesia có thị trường lớn nhưng lại có vấn đề về tôn giáo, văn hóa, chính trị. Myan-mar là địa bàn mới nổi lên trong thu hút FDI nhưng với thực trạng yếu kém về chính sách và hạ tầng hiện nay thì phải 3 - 5 năm nữa nước này mới có thể cải thiện được môi trường đầu tư…

Đặc biệt, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đã được gia tăng nhờ sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do song, đa phương đã, đang và sẽ được ký kết cũng như sắp có hiệu lực… vì vậy đây là triển vọng tốt để Việt Nam thu hút được nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nội khối ASEAN.

Không thu hút FDI bằng mọi giá

Cơ hội thu hút FDI của Việt Nam rất lớn, song theo ông Nguyễn Mại, Việt Nam đang có sự tiến bộ về môi trường đầu tư kinh doanh, công nghệ kỹ thuật, chất lượng nguồn lao động và các lĩnh vực xã hội khác. Theo đó, các tiêu chí để thu hút và lựa chọn những dự án FDI cần phải được thay đổi theo hướng tích cực, chặt chẽ, tiến bộ hơn. “Thời gian tới, việc tiếp nhận nguồn vốn FDI nói chung và FDI nội khối ASEAN nói riêng cần được chọn lọc có mục đích, đảm bảo phù hợp với mục tiêu tăng cường chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và bảo vệ môi trường; không thể thu hút, tiếp nhận bằng mọi giá”, ông Mại nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nguồn vốn FDI cần tập trung vào các lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay các dự án công nghệ cao. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ, phải xây dựng mô hình liên kết ngang, hình thành DN vệ tinh, sản xuất linh kiện cho DN FDI xuất khẩu.

Để tranh thủ được cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, ông Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, cần tập trung cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Về phía cộng đồng DN, theo ông Cấn Văn Lực, DN Việt cũng cần tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động đón nhận cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài cũng như ứng phó nhanh nhạy với những thách thức từ hội nhập.

“Chú trọng thu hút FDI không chỉ để tạo giá trị xuất khẩu đơn thuần mà phải có chuyển giao công nghệ, tăng cường tính kết nối giữa khu vực DN FDI và DN trong nước, từ đó tận dụng thế mạnh của DN ngoại để phát triển DN nội; giúp DN nội hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu và đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế”.

Ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV.

Thiện Trần