Thu ngân sách từ xuất, nhập khẩu đối diện thách thức mới
Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục cho ô tô nhập khẩu. Ảnh: Lê Thu
Infographics: Ngành Hải quan thu ngân sách 8 tháng đạt 274.035 tỷ đồng

Tốc độ thu thấp hơn tốc độ tăng kim ngạch

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2024 đạt 274.035 tỷ đồng, bằng 73,1% dự toán được giao, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này xuất phát từ những tích cực trong hoạt động thương mại.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng 2024 đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 73,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% (tương ứng tăng 36,13 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 246,01 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 36,95 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 thặng dư 19,08 tỷ USD, thấp hơn 4,1% so với con số thặng dư 19,9 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Một số địa phương đạt tiến độ thu tích cực. Có thể kể đến như Hải quan Bình Định, kết quả thu ngân sách nhà nước của đơn vị tính từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8/2024 đạt 501,745 tỷ đồng, đạt 103% chỉ tiêu dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (487 tỷ đồng), tăng 63,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu trên địa bàn tỉnh Bình Định được 450,098 tỷ đồng, đạt 104,9% chỉ tiêu, tăng 68,2%; thu trên địa bàn tỉnh Phú Yên 51,647 tỷ đồng, đạt 89% dự toán, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Hay như Hải quan Lạng Sơn, sự sôi động của hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn đã giúp cho tổng kim ngạch tăng cao. Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn những tháng qua đạt 2.886 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023. Từ đó tác động tới số thu ngân sách nhà nước của Hải quan Lạng Sơn tính đến ngày 6/8/2024 đạt trên 4.237 tỷ đồng, bằng 84,75% chỉ tiêu được giao và tăng 41,50% so với cùng kỳ 2023.

Theo đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan, số thu tăng chủ yếu từ kim ngạch xuất khẩu có thuế tăng 7,5% và kim ngạch nhập khẩu có thuế tăng 17,6%. Một số nhóm hàng có kim ngạch tăng như: Nhóm các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất tăng 20,8% so với cùng kỳ, làm tăng thu ngân sách khoảng 23.000 tỷ đồng; than các loại nhập khẩu tăng 29,6% về lượng và tăng 16,5% về trị giá, làm tăng thu khoảng 3.300 tỷ đồng; dầu thô nhập khẩu tăng 23,3% về lượng và tăng 26,7% về trị giá, làm tăng thu khoảng 3.600 tỷ đồng.

Tốc độ tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế cao hơn tốc độ tăng của số thu một phần do thực hiện chính sách ưu đãi thuế theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ tiếp tục cho giảm thuế giá trị gia tăng một số mặt hàng nên trong 8 tháng năm 2024 đã giảm khoảng 12.230 tỷ đồng.

Dấu hiệu chững lại

Dù tổng thể 8 tháng, công tác thu của ngành Hải quan vẫn tăng, song những khó khăn thách thức đã dần xuất hiện bởi ghi nhận số thu ngân sách nhà nước trong tháng 8/2024 giảm 9% so với tháng trước. Nguyên nhân là do tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế giảm 1,9% so với tháng trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế giảm 1,5%. Kim ngạch một số mặt hàng nhập khẩu có trị giá lớn, thuế suất cao giảm như: Than các loại giảm 45% về lượng và giảm 19,7% về trị giá, làm giảm thu 430 tỷ đồng; dầu thô giảm 11,8% về lượng và giảm 12,9% về trị giá, làm giảm thu 275 tỷ đồng; xăng dầu các loại giảm 25,6% về lượng và giảm 20,1% về trị giá, làm giảm thu 571 tỷ đồng; điện thoại và linh kiện giảm 21,2% về trị giá, làm giảm thu 210 tỷ đồng; ô tô nguyên chiếc các loại giảm 12,3% về lượng và giảm 11,8% về trị giá, làm giảm thu 597 tỷ đồng so với tháng trước.

Sự khó khăn rõ rệt nhất được thể hiện tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh. Tính đến hết tháng 8/2024, Cục thu ngân sách nhà nước trên 82.987 tỷ đồng, đạt 63,45% dự toán, giảm 1,34% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm chủ do cung cầu thị trường và sức mua yếu, lượng xe ô tô nhập khẩu tồn tại cảng còn rất lớn. Ngoài ra, nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao bị cắt giảm thuế và sẽ còn giảm sâu hơn trong các năm tới theo lộ trình cắt giảm thuế quan đã cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Là đơn vị có nguồn thu ổn định nhất khu vực miền Trung nhưng theo đánh giá của Cục Hải quan Hà Tĩnh, dấu hiệu giảm bắt đầu xuất hiện. Tính đến ngày 31/8/2024, số thu ngân sách qua địa bàn trong 8 tháng đầu năm đạt 5.991,89 tỷ đồng. Mặc dù số thu vẫn tăng nhưng chỉ số tăng đang có dấu hiệu chậm lại và xu hướng giảm trong những tháng cuối năm. Bởi lẽ tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn đang giảm 6,6%, trong đó, kim ngạch chiều xuất khẩu ghi nhận giảm tới 17,2%.

Tới đây, những khó khăn của tình hình kinh tế cũng như sức tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt thiệt hại do ảnh hưởng của bão Yagi, lũ lụt đã và đang xảy ra tại hầu hết các tỉnh phía Bắc cho thấy nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 4 tháng cuối năm của ngành Hải quan đối mặt với nhiều thách thức. Cùng với đó, từ nay đến cuối năm, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng tiếp tục được thực hiện, dự kiến làm giảm thu khoảng 18.000 tỷ đồng; thực hiện kỳ hoàn thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô cũng sẽ làm giảm tổng thu khoảng 6.000 tỷ đồng.

Nhằm đảm bảo công tác thu đạt hiệu quả, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành quyết liệt triển khai chuyển đổi số, nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử, để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ; phấn đấu hoàn thành dự toán được giao ở mức cao nhất.

Số thu của các cục hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm đạt 234.992 tỷ đồng

Tính đến 31/8/2024, số thu ngân sách nhà nước của 10 Cục Hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm đạt 234.992 tỷ đồng, bằng 70,98% dự toán được giao, tăng 9,36% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có số thu lũy kế từ đầu năm đến 31/8/2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Thanh Hóa tăng 36,44%; Bắc Ninh tăng 22,4%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 20,56%.