Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, chiều 12/2, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Làm rõ chủ thể, trách nhiệm khi phân cấp

Theo Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng không quyết các vấn đề cụ thể trong quản lý ngành, lĩnh vực

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 32 điều, giảm 2 chương, giảm 18 điều so với Luật hiện hành.

Đối với việc hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, dự thảo Luật có một số điểm mới. Đó là, quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực. Chính phủ phân công phạm vi quản lý nhà nước cho các bộ, cơ quan ngang bộ; phân cấp thẩm quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo phạm vi quản lý, bảo đảm phân định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ và người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

Đối với việc hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo quy định rõ: nội dung trình Quốc hội; nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nội dung trình Chủ tịch nước; nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng không quyết định các vấn đề cụ thể trong quản lý nhà nước với ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, Chính phủ quyết định các chính sách phát triển ngành, vùng, địa phương, trừ những chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và chính quyền địa phương. Đối với những vấn đề đã phân quyền cho chính quyền địa phương, thì chính quyền địa phương chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân quyền.

Việc phân cấp được thực hiện theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Đồng thời, dự thảo Luật đã làm rõ về chủ thể phân cấp; nguyên tắc phân cấp; thẩm quyền và trách nhiệm của các chủ thể khi thực hiện phân cấp.

Về ủy quyền, dự thảo Luật đã làm rõ chủ thể, cách thức, nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền và các điều kiện mang tính nguyên tắc trong việc thực hiện ủy quyền.

“Đây là điểm mới nổi bật, mang tính nguyên tắc căn bản, cốt lõi để các Luật khác trong hệ thống pháp luật, làm căn cứ quy định về phân cấp và lần đầu tiên được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay.

Đảm bảo thống nhất giữa các luật liên quan

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nhiều quy định của dự thảo.

Tại khoản 5 Điều 6 quy định một trong những nguyên tắc phân định thẩm quyền là bảo đảm Thủ tướng Chính phủ “không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách”.

Thủ tướng không quyết các vấn đề cụ thể trong quản lý ngành, lĩnh vực
Các đại biểu tham dự phiên họp chiều 12/2.

Nhất trí với việc cần phân định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách thành viên Chính phủ và tư cách người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý quy định nêu trên chưa thực sự rõ và có thể gây ra cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật. Do đó, đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn để bảo đảm tính phù hợp, khả thi.

Đối với nội dung phân cấp, phân quyền và ủy quyền, Ủy ban Pháp luật nhận thấy dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định một số nội dung về phân cấp, ủy quyền khác với dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định thống nhất chủ thể nhận phân cấp ở địa phương và các nguyên tắc chung về phân cấp, ủy quyền, bảo đảm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa trung ương và địa phương. Các vấn đề cụ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của luật khác, hoặc những vấn đề cần phải linh hoạt để phù hợp với thực tiễn thì không nên quy định cứng trong 2 luật này mà để pháp luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật điều chỉnh.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban Pháp luật đánh giá một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo Luật được thể hiện khá chi tiết, có tính chất liệt kê, dẫn đến vừa thừa, vừa thiếu; một số nhiệm vụ chưa có sự gắn kết, liên thông với quy định sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định theo hướng khái quát hơn, đồng thời bảo đảm sự thống nhất với các luật có liên quan./.