Tọa đàm là một phần của chuỗi sự kiện kéo dài từ 7-9/11 tại Nghệ An, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Khu dự trữ sinh quyển (3/11) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chương trình Tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP), phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thực hiện.

Thúc đẩy sinh kế người dân tại vùng đệm các khu dự trữ sinh quyển
Sản phẩm từ mô hình hỗ trợ nhỏ Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An. Ảnh: UNDP

Theo các chuyên gia, việc tăng cường sinh kế địa phương sẽ góp phần giảm áp lực trực tiếp lên rừng và tài nguyên thiên nhiên, góp phần vào mục tiêu chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên mà cộng đồng quốc tế đã đặt ra trong Khung Đa dạng sinh học toàn cầu (GBF).

Sinh kế bền vững thường bao gồm các bước như đảm bảo nguồn tài chính ban đầu để thiết lập các mô hình sinh kế khả thi, duy trì nguồn lực tài chính ổn định để hỗ trợ các mô hình này, và phát triển kết nối thị trường theo cách tiếp cận chuỗi giá trị để đảm bảo đầu ra lâu dài.

Những vấn đề này đã được giải quyết qua Dự án “Lồng ghép mục tiêu quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các KDTSQ tại Việt Nam” (Dự án BR).

Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ và được Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP thực hiện, đã áp dụng Cơ chế tài trợ nhỏ theo Chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP) hỗ trợ cộng đồng tại 14 xã thuộc 3 KDTSQ Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm - Hội An và Đồng Nai triển khai các mô hình sinh kế bền vững trong sản xuất nông lâm kết hợp, chăn nuôi gia súc, và du lịch sinh thái cộng đồng...

Dự án BR triển khai từ năm 2020 đến năm 2024, là một phần trong các nỗ lực lớn hơn nhằm thúc đẩy quản lý bền vững các KDTSQ trên khắp Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào các Mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF), đã được thông qua tại Hội nghị các bên lần thứ 15 (COP15) của Công ước Đa dạng sinh học (CBD) năm 2022.

Các quỹ quay vòng đã được thành lập tại mỗi xã để cung cấp các khoản vay quy mô nhỏ cho các thành viên cộng đồng theo cơ chế luân phiên, đã chứng tỏ là mô hình tài chính đáng tin cậy và bền vững cho phát triển cộng đồng về dài hạn. Việc phát triển thị trường cho các sản phẩm đã được hỗ trợ và tham gia chặt chẽ của chính quyền và người dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia của UNDP GEF/SGP chia sẻ, các dự án tài trợ nhỏ đã phát huy, kế thừa tốt các kinh nghiệm, cách làm, xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ thôn bản, xã, huyện, nhân rộng được các mô hình sinh kế gắn kết với nguồn lực địa phương, tạo các quỹ xoay vòng tại nhiều xã làm tiền đề cho nhân rộng các mô hình này. Cộng đồng các thôn bản đã nhận thức tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng, góp phần bảo tồn văn hoá dân tộc thiểu số và phát huy danh hiệu KDTSQ.

Theo đó, Dự án BR đã góp phần quản lý hiệu quả hơn 1,8 triệu ha diện tích rừng và biển tại các KDTSQ Tây Nghệ An, BR Cù Lao Chàm - Hội An và Đồng Nai.

Dự án đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 3.100 hộ gia đình, mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 14.700 cá nhân thông qua hoạt động tăng cường năng lực và tập huấn các thực hành bảo tồn và phát triển sinh kế bền vững cho cả cán bộ chính quyền địa phương và thành viên cộng đồng. Đồng thời, việc phụ nữ chiếm 42% số người thụ hưởng đã củng cố cam kết của dự án về phát triển bao trùm và cân bằng giới./.