Nhiều chuyển biến trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2021, dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nhưng lượng đơn sáng chế và kiểu dáng công nghiệp vẫn tăng khá cao (tương ứng là 9,1% và 11,9%) so với năm 2020; kết quả xử lý đơn sở hữu công nghiệp tăng 3,8%, trong đó kết quả xử lý đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 6,3%.

Kết quả giải quyết đơn khiếu nại về sở hữu công nghiệp tăng 29% và các loại đơn, yêu cầu liên quan đến văn bằng bảo hộ tăng trên 15%.

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm cạnh tranh công bằng
Nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ (SHTT) đã mang lại nhiều kết quả tích cực, song nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp chưa đầy đủ do chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức trong lĩnh vực SHTT.

Việc duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền SHTT còn bị xem nhẹ, không duy trì được vùng nguyên liệu sản xuất, quản lý chất lượng đầu ra cho sản phẩm còn chưa đồng đều, mẫu mã bao bì chưa thực sự phong phú, bắt mắt người tiêu dùng.

Một số doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm nông sản tiêu thụ dưới dạng thô, chưa qua chế biến, mang tính tự phát, sức cạnh tranh yếu. Ngoài ra, năng lực triển khai phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Các sáng chế, giải pháp hữu ích đã được cấp văn bằng nhưng khai thác và thương mại hóa còn chưa thật sự hiệu quả.

Mới đây, tại hội nghị Sở hữu trí tuệ toàn quốc năm 2022, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, năm 2021, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thực thi quyền SHTT nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động này đã có xu hướng giảm mạnh. Theo báo cáo của các địa phương, cả nước có 1.109 vụ xâm phạm quyền về nhãn hiệu đã được xử lý với tổng số tiền phạt hơn 13 tỷ đồng và gần 300.000 sản phẩm bị xử lý, giảm 55% về số vụ và 38% tổng số tiền phạt so với năm 2020 (2.457 vụ với tổng số tiền phạt là 21.533.347.000 đồng).

Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng và đáp ứng các yêu cầu quản lý và phát triển, sản phẩm rõ ràng, minh bạch, truy xuất được quá trình sản xuất thu hoạch, chế biến đóng gói, bảo quản.

Giải pháp hỗ trợ nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ hiệu quả thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, có rất nhiều giải pháp khác nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay. Trước tiên là giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về thực thi quyền SHTT.

Chiến lược SHTT đến năm 2030 của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khẳng định rõ nhiệm vụ, giải pháp về rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT; bảo đảm các biện pháp bảo vệ quyền SHTT phù hợp tính chất dân sự của quyền SHTT; nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT đủ sức răn đe và chú trọng chống hàng hóa giả mạo về SHTT; và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ. Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT hiện nay đang được triển khai theo hướng này.

Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực của các cơ quan thực thi quyền SHTT cần được xác định như một điểm đột phá, nhất là khi nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT ở các cơ quan này từ trung ương xuống địa phương còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng.

Để triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030, Cục SHTT đang triển khai xây dựng đề án liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT, trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoạt động đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về SHTT cho cán bộ chuyên trách của các cơ quan thực thi quyền SHTT.

Trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình, Cục SHTT tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ về mặt chuyên môn cho các cơ quan thực thi như: hướng dẫn áp dụng pháp luật, cung cấp các ý kiến chuyên môn đối với những vụ việc cần có ý kiến chuyên môn sâu về SHTT.

“Trong thời gian tới, Cục SHTT cũng sẽ dành nguồn lực, tăng cường phối hợp các cơ quan thực thi triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động đào tạo, tập huấn về SHTT với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho các cán bộ thực thi quyền SHTT, tránh tình trạng có những cán bộ đã làm việc nhiều năm mà chưa có cơ hội được đào tạo một cách cơ bản về SHTT” - ông Hồng cho hay./.