Ngày 17/2, Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức Hội nghị "Tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng".

Tiền dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ, phát triển rừng
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: NNK

Thu đạt trên 3.700 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng

Kế hoạch thu tiền DVMTR năm 2023 đạt: 3.200 tỷ đồng, trong đó: quỹ trung ương thu: 2.053 tỷ đồng; quỹ tỉnh thu: 1.147 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Thanh – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/12/2022, tổng số thu tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cả nước đạt trên 3.700 tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch và tăng 17% so với năm 2021.

"Bên cạnh việc ký thêm các hợp đồng ủy thác mới, sản lượng điện sản xuất của một số công ty thủy điện tăng thì công tác đôn đốc, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, tích cực tuyên truyền phổ biến chính sách trong việc thu hồi tiền DVMTR chậm trả đã góp phần làm tổng nguồn thu vượt kế hoạch đề ra" - ông Thanh nêu rõ.

Trong năm 2022 đã giải ngân số tiền gần 3.000 tỷ đồng cho bên cung ứng DVMTR và chủ yếu được thực hiện qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch điện tử đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả. Năm 2022, tiền DVMTR góp phần hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ cho 7,3 triệu ha rừng, chiếm 49,6% tổng diện tích rừng toàn quốc, tăng 0,56 triệu ha rừng so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Văn Thanh nhận định, chi trả DVMTR được đánh giá là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời góp phần cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, sống phụ thuộc vào rừng mà chủ yếu là đồng bào nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, chính sách còn đóng vai trò đáng kể trong thành tích chung của toàn ngành NN&PTNT.

Tiền dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ, phát triển rừng
Tiền dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ, phát triển rừng. Ảnh: NNK

Thu đúng, thu đủ tiền dịch vụ môi trường rừng

Tại hội nghị, các đại biểu nhận định, trong bối cảnh biến đổi khí hậu thường xuyên gây nên những hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thuận; thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, đại dịch Covid-19 diễn ra trong thời gian dài nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sử dụng DVMTR, đặc biệt các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nhiều đơn vị dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Do đó, năm 2023 Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đặt mục tiêu thu tiền DVMTR đạt 3.200 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị ghi nhận kết quả tích cực từ chính sách chi trả DVMTR, khẳng định chi trả DVMTR là nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Trị chia sẻ, mỗi năm, lĩnh vực lâm nghiệp được Nhà nước đầu tư 900 tỷ đồng để bảo vệ và phát triển rừng của 11 triệu ha. Trong khi đó năm 2022 thu từ DVMTR đạt 3.700 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ nguồn thu từ DVMTR đã góp phần huy động nguồn lực lớn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng- góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong công tác bảo vệ rừng.

Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị trong thời gian tới, hệ thống Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục phối hợp các bên, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát, truyền thông..., thực hiện thu đúng, thu đủ tiền DVMTR, đạt mục tiêu 3.200 tỷ đồng năm 2023. Cùng với đó, kịp thời giải ngân đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo duy trì 7,3 triệu ha rừng trong lĩnh vực cung ứng DVMTR.

Ngoài ra, đề nghị các quỹ rà soát cụ thể, hoàn thiện việc thu, chi của năm 2022 và các năm trước đảm bảo cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong năm 2023.

Đồng thời, các địa phương cần tập trung triển khai thí điểm có hiệu quả Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, giúp tạo tiền đề cho việc hoàn thiện, thể chế hóa Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp hiện đang trình Chính phủ xem xét, trong đó có nội dung về DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, góp phần thúc đẩy, đưa loại dịch vụ mới này nhanh chóng triển khai vào thực tiễn.

Trong năm 2022 cả nước ký mới được 79 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR. Lũy kế từ khi triển khai chính sách đến nay cả nước ký được 1.401 hợp đồng (quỹ trung ương: 123 hợp đồng, địa phương: 1.278 hợp đồng; trong đó: 586 hợp đồng với nhà máy thủy điện, 312 hợp đồng với nhà máy sản xuất nước sạch, 23 hợp đồng với đơn vị kinh doanh du lịch, 3 hợp đồng với đơn vị nuôi trồng thuỷ sản và 477 hợp đồng với cơ sở sản xuất công nghiệp).