Tiếp tục đề xuất hỗ trợ về thuế, tăng khả năng phục hồi kinh tế
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Đã miễn, giảm khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng

Tại Nghị quyết số 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các nghị định trong tháng 6/2024 để tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; rà soát các khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

700 nghìn tỷ đồng thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế giai đoạn 2020 - 2023

Giai đoạn 2020-2023, các giải pháp chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được ban hành với tổng trị giá của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Quy mô dự kiến đối với những giải pháp ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 khoảng 68 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, về kết quả thực hiện các chính sách tài khóa đã ban hành, tính đến thời điểm hiện nay, Bộ đã trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân có quy mô khoảng 68 nghìn tỷ đồng. Cụ thể: Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 94/2023/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) (như đã áp dụng năm 2023) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Chính sách này làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024, giảm thu NSNN năm 2024 khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024 và Nghị định 65/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Với 2 nghị định nêu trên, việc gia hạn thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024, có quy mô khoảng 84 nghìn tỷ đồng và nghị định về gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2024 với quy mô khoảng 8,56 nghìn tỷ đồng.

Đối với Bộ Tài chính, thuộc thẩm quyền của mình, Bộ đã ban hành thông tư quy định giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50% nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực từ 1/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025). Dự kiến thực hiện chính sách này giảm thu khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Tính chung, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ trong 5 tháng đầu năm đạt khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã bao gồm 8 nghìn tỷ đồng giảm thu theo các chính sách ban hành năm 2023 làm giảm thu NSNN năm 2024.

Tiếp tục đề xuất hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ đồng

Mặc dù thực hiện các chính sách giãn, giảm, gia hạn thuế, phí sẽ tác động tới nguồn thu ngân sách, nhưng Bộ Tài chính đã rà soát, đánh giá tổng kết các chính sách đã ban hành và trên cơ sở thực tiễn, Bộ tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách tài khóa trong thời gian tới, nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Trong nhóm các chính sách sẽ được ban hành thời gian tới, phải kể đến chính sách giảm thuế GTGT. Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giảm mức thuế GTGT đến hết năm 2024. Chính phủ đã trình Quốc hội tiếp tục kéo dài thời gian giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Theo đó, dự kiến làm giảm NSNN thêm khoảng 24 nghìn tỷ đồng, tổng số giảm thu do thực hiện chính sách cả năm khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng (bao gồm khoảng 23,5 nghìn tỷ đồng dự kiến giảm trong 6 tháng đầu năm).

Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2024 theo Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính dự kiến ban hành thông tư tiếp tục giảm mức thu đối với khoảng 36 khoản phí, lệ phí, áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, dự kiến tác động giảm thu NSNN khoảng 700 tỷ đồng.

Về chính sách giảm thuế xuất, nhập khẩu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài ngạch thuế quan. Dự kiến việc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu này tác động giảm thu NSNN gần 590 tỷ đồng/năm.

Có thể thấy, giai đoạn 2020-2023, các giải pháp chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được ban hành với tổng trị giá của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Quy mô dự kiến đối với những giải pháp ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 khoảng 68 nghìn tỷ đồng.

Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế./.

Cân nhắc chính sách tài khóa thắt chặt thay vì nới lỏng

Mới đây tại Quốc hội, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế, Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 nhận định, chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đạt được là khá tích cực. Cụ thể, số thuế GTGT dự kiến giảm khi xây dựng chương trình là 49.400 tỷ đồng (trong tổng 350.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ bao trùm tất cả các lĩnh vực). Kết quả, số thực hiện trong năm 2022 đạt 44.458 tỷ đồng giúp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, người dân hưởng ứng.

Nhiều đại biểu đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính. Theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông), việc giảm 2% thuế GTGT có tác động tích cực trực tiếp đến đời sống xã hội, qua đó giảm giá thành sản phẩm, trong đó phần lớn là các nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của nhân dân, giúp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho đời sống của người dân. Mặt khác, chính sách còn có tác dụng kích cầu tiêu dùng đối với các doanh nghiệp. Việc giảm thuế góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đối tượng được giảm thuế cần được rà soát kỹ lưỡng để có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay, do đối tượng giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 được ban hành trong bối cảnh rất đặc biệt và khác nhiều so với thời điểm hiện tại.

Suốt những năm qua, việc duy trình chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ nền kinh tế là cần thiết trong bối cảnh khó khăn, tuy nhiên, khi thực hiện chính sách đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo nên thận trọng, giảm bớt lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong chính sách thuế. Phát biểu tại Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng chia sẻ quan điểm hết năm nay nên hoàn thành chính sách tài khóa mở rộng, để tập trung cho chính sách tài khóa thắt chặt. Bởi xu thế của thế giới hiện nay là tập trung nâng cao sức mạnh của tài chính công, đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội và các vấn đề khác.

Trong chỉ đạo mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính NSNN, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi NSNN./.