Tìm giải pháp và các kiến nghị cho
Đồng Nai phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Ảnh minh họa

Các nội dung được tập trung thảo luận gồm: Net zero carbon trong chăn nuôi; kết nối chuỗi thực phẩm an toàn; tập hợp các kiến nghị cho ngành chăn nuôi, nhất là cho dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật.

Đồng Nai được xem là "thủ phủ" chăn nuôi của cả nước với hơn 2,5 triệu con heo và hơn 26 triệu con gia cầm. Trên địa bàn hiện có gần 1.500 cơ sở chăn nuôi tập trung và hơn 22.200 cơ sở chăn nuôi nông hộ, chủ yếu là heo và gà. Hầu hết các cơ sở này là các nông hộ hoặc trang trại quy mô vừa và nhỏ.

Ngành nông nghiệp đang góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Trong đó, phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo chiếm tỷ lệ lớn. Dịp này, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm giảm phát thải và xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn của các nước phát triển. Đặc biệt, nhiều giải pháp nhằm xử lý hiệu quả phát thải trong chăn nuôi được giới thiệu như: giải pháp cải thiện chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi; sử dụng các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng khí sinh học, thu gom và sản xuất phân bón hữu cơ…

Đồng Nai rất quan tâm đến thực hiện chăn nuôi giảm phát thải. Một số tập đoàn, doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp giảm phát thải trong chăn nuôi. Nội dung được quan tâm nhiều tại hội thảo là về chính sách hỗ trợ các nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư các công nghệ vừa giúp giảm phát thải, vừa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

"Chăn nuôi xanh" - góp phần thúc đẩy Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu Net Zero
Doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, việc kiểm kê phát thải carbon trong chăn nuôi sắp được thực hiện và ngành chăn nuôi Việt Nam phải quan tâm làm sản phẩm chăn nuôi phát thải thấp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu giảm phát thải carbon. Vài năm gần đây, một số doanh nghiệp chăn nuôi trong nước đã thực hiện tốt các giải pháp giảm phát thải.

Những năm qua, ngành chăn nuôi tại Việt Nam phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thiếu quy hoạch, nhất là các vùng dân cư đông đúc đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật. Một kết quả kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn trong chuồng nuôi gia súc cho thấy, tổng số vi khuẩn trong không khí ở chuồng nuôi cao gấp 30-40 lần so với không khí bên ngoài./.