Cát Lái

Cảng Cát Lái. TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang, ngày 25/8/2016, Công ty cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn đã đề xuất đầu tư xây dựng bến cảng KCN Cát Lái giai đoạn 1 với quy mô đầu tư gồm 3 cầu cảng cho tàu trọng tải 2.200 DWT (128 Teu), chiều dài 186m, diện tích xây dựng 18,3ha; công suất thông qua khoảng 400 ngàn teu/năm.

Mục tiêu đầu tư là để tiếp nhận các tàu vận tải, sà lan trọng tải đến 2.200DWT (128Teu) vận tải hàng hóa (qua hệ thống đường bộ nội bộ khu công nghiệp) đến/từ bến cảng Tân Cảng Cát Lái để phục vụ xuất nhập khẩu container. Thời gian dự kiến đầu tư 2016 - 2017.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang, theo quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5) đã được Bộ GTVT phê duyệt, bến cảng KCN Cát Lái được quy hoạch phát triển là cảng tổng hợp với quy mô tổng thể 1.000 m tiếp nhận tàu trọng tải 20.000DWT. Giai đoạn đến năm 2020 đầu tư phát triển 500m bến công suất thông qua khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Hiện nay khu bến cảng trên sông Đồng Nai thuộc cảng biển thành phố Hồ Chí Minh có 07 dự án cảng biển đang hoạt động, trong đó có 6 bến cảng hàng hóa và 01 bến cảng của nhà máy đóng, sửa chữa tàu thủy. Tổng lượng hàng thông qua bến cảng năm 2015 đạt 3,8 triệu Teu container và khoảng 3,8 triệu tấn hàng hóa khác với khối lượng quy đổi khoảng gần 50 triệu tấn, trong đó 90% lượng hàng hóa được vận tải đến cảng bằng đường bộ. Theo số liệu thống kê, bến cảng Tân Cảng Cát Lái tiếp nhận khoảng 17.000 lượt phương tiện đường bộ/ngày đêm, trong đó riêng phương tiện chuyên chở container khoảng 13.000 lượt/ngày đêm.

Bên cạnh đó, để phục vụ hoạt động của các bến cảng trong khu vực, hàng ngày tuyến đường Nguyễn Thị Định (tuyến đường bộ duy nhất hiện nay kết nối với các bến cảng trong khu vực) phải thông qua lượng phương tiện khoảng 19.000 xe, tạo áp lực rất lớn cho tuyến đường, gây quá tải nghiêm trọng và thường xuyên ùn tắc giao thông ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, thời gian vận tải và giá thành hàng hóa.

Theo báo cáo của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và các số liệu nghiên cứu, hàng hóa container thông qua bến cảng Tân Cảng Cát Lái gồm khoảng 3 triệu TEU container từ các tỉnh thành Đông Nam Bộ và 0,8 triệu TEU container từ các tỉnh Tây Nam Bộ, với điều kiện lợi thế về các tuyến thủy nội địa trong khu vực, khoảng 30% hàng hóa từ các tỉnh Đông Nam Bộ và 70% hàng hóa từ các tỉnh Tây Nam Bộ (tổng khối lượng từ 1,4-1,5 triệu TEU container) có thể vận tải bằng đường thủy.

Trong khi trên thực tế, hiện tại chỉ có bến cảng Tân Cảng Cát Lái đầu tư các bến riêng để tiếp nhận các phương tiện thủy nội địa, với công suất thông qua khoảng 350 ngàn teu/năm. Bến cảng Phú Hữu kết hợp tiếp nhận phương tiện thủy trong thời gian không tiếp nhận tàu biển với công suất thông qua hàng hóa bằng phương tiện thủy nội địa khoảng 300 ngàn TEU container/năm. Như vậy, hiện nay khu vực vẫn rất cần các bến sà lan để tiếp nhận khoảng 750-850 ngàn TEU container hàng hóa có nhu cầu vận tải bằng đường thủy nội địa.

Cùng với chủ trương quy hoạch phát triển cảng cạn để tận dụng lợi thế đường thủy vận tải hàng hóa từ các trung tâm sản xuất tại Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh ... đến cảng biển, việc quy hoạch phát triển hợp lý các bến sà lan tại các cảng biển Nhóm 5 như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ góp phần tăng cường hiệu quả kết nối, giảm tải cho đường bộ và nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, với mục đích đầu tư như đề xuất của chủ đầu tư cùng với quá trình đầu tư các cảng cạn, nâng cấp cải tạo các cầu vượt sông để thu hút hàng hóa vận tải bằng đường thủy, nếu phát huy tối đa năng lực bến cảng KCN Cát Lái (400 ngàn TEU container/năm) để thông qua hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa sẽ góp phần giảm tải lượng phương tiện đường bộ qua trục đường Nguyễn Thị Định khoảng 300 ngàn lượt/năm.

“Chính vì những phân tích như vậy, Cục Hàng hải Việt Nam đã ủng hộ đề xuất của chủ đầu tư và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận đề xuất của Công ty cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn về đầu tư giai đoạn I bến cảng KCN Cát Lái, đồng thời yêu cầu chủ đẩu tư thực hiện đúng mục tiêu đầu tư phục vụ kết nối với bến cảng Tân Cảng Cát Lái để tăng cường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường thủy, giảm tải cho hệ thống đường bộ”, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết thêm./.

Trí Dũng