Tận dụng lợi thế để khai thác tiềm năng thị trường carbon

Thị trường carbon là một công cụ kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và chống biến đổi khí hậu. Mặc dù việc hình thành thị trường carbon vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, Việt Nam đã tham gia thị trường carbon quốc tế thông qua việc thực hiện các dự án tín chỉ carbon mà đầu tiên là cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2005 với tổng số tín chỉ carbon (VCCs) ban hành đạt gần 30 triệu.

TP. Hồ Chí Minh đang phải đối đầu với nhiều thách thức về ô nhiễm không khí. Ảnh Việt Dũng
Ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề nan giải của TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Dũng

Riêng TP. Hồ Chí Minh, là một thành phố năng động và phát triển nhanh, TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí (phát thải hơn 60 triệu tấn CO2/năm, chiếm khoảng từ 18-23% cả nước). Do vậy, việc triển khai thị trường carbon vào năm 2028 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thành phố.

Cụ thể, thị trường carbon sẽ là công cụ hiệu quả giúp giảm thải khí nhà kính, hướng đến đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao sức khỏe cộng đồng; đồng thời tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả hơn các đầu vào sản xuất, từ đó góp phần gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và nâng cao năng lực cạnh tranh (Giả thuyết Porter).

Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Việt Nam sẽ triển khai thí điểm thị trường carbon vào năm 2025 và chính thức vận hành thị trường này từ năm 2028.

Ngoài ra, việc phát triển thị trường carbon tự nguyện sẽ giúp thành phố tạo nguồn thu đáng kể thông qua phát hành và bán tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải KNK từ các nguồn năng lượng dồi dào như mặt trời, gió, và rác thải.

Thị trường carbon cũng sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, thu hút nguồn tài chính khí hậu quốc tế… thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và tạo nhiều việc làm mới; giúp TP. Hồ Chí Minh nâng cao vị thế quốc tế trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu.

Riêng đối với cơ chế thuế carbon xuyên biên giới (CBAM) do Liên minh châu Âu (EU) ban hành hồi tháng 10/2023, việc khai thác các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 hiệu quả sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức và góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đây là lợi thế vượt trội để chính quyền thành phố khẳng định vị thế đi đầu, năng động, sáng tạo, hiệu quả, đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn trong khi vẫn đặt lợi ích môi trường và phát triển bền vững lên hàng đầu.

Giải pháp khuyến nghị cho TP. Hồ Chí Minh

Theo khuyến nghị của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, để tăng cường vai trò là bên phát hành tín chỉ carbon trong thị trường carbon tự nguyện, TP. Hồ Chí Minh có thể xem xét ưu tiên ban hành một số chính sách như quy định về nguồn vốn tài trợ và các phương thức sử dụng vốn cho hoạt động phát triển dự án phát hành tín chỉ carbon.

Đại diện nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí trình bày nội dung về chính sách thúc đẩy cung cầu thị trường carbon. Ảnh Đỗ Doãn
Đại diện nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh khuyến nghị về chính sách thúc đẩy cung cầu thị trường carbon. Ảnh: Đỗ Doãn

Đồng thời, ban hành các hướng dẫn liên quan đến quản lý và vận hành dự án, trong đó cần nêu rõ vai trò của từng cơ quan trong hoạt động triển khai, theo dõi giám sát và đánh giá hiệu quả nhằm đảm bảo dự án đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức định giá tín chỉ và phát hành thành công tín chỉ ra thị trường.

TP. Hồ Chí Minh cũng cần có chính sách quy định rõ việc sử dụng và giám sát các nguồn thu này cho mục đích tái đầu tư vào các dự án và hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách quy định việc hợp tác phát triển trong thị trường carbon tự nguyện nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.

Còn với vai trò là người mua tín chỉ carbon, TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng lộ trình và các nền tảng nghiên cứu rõ ràng các vấn đề cụ thể như độ xác thực và đáng tin cậy của các tín chỉ carbon; gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ phù hợp; tham khảo kinh nghiệm của thế giới để thành lập các Quỹ cho mục đích bảo vệ môi trường…

Để thúc đẩy hoạt động của thị trường carbon, TP. Hồ Chí Minh cũng nên trang bị kiến thức và tăng cường nhận thức về thị trường carbon cho doanh nghiệp và cộng đồng; ban hành các chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập mục tiêu, kế hoạch giảm phát thải một cách tự nguyện và giao dịch tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng phát thải của cơ sở…

Với CBAM, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cần ban hành một loại phí mới, chẳng hạn như phí carbon và sử dụng số thu từ nguồn này hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu; tích cực hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào các công nghệ tiên tiến, giảm phát thải carbon; chủ động đẩy mạnh đầu tư vào các tài sản công trên địa bàn thành phố để có thể giảm thiểu phát thải từ việc sử dụng điện, hướng đến lộ trình trở thành một nhà cung cấp tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện.

Việc thực hiện thị trường carbon có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của thành phố trong ngắn hạn, nên cần phải dự đoán được những tác động tiêu cực để có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách về phí và lệ phí môi trường nhằm hài hòa mục tiêu môi trường và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.