TP. Hồ Chí Minh: Tiềm năng phát triển mạnh mẽ thị trường carbon trong tương lai
Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Người gây ô nhiễm phải trả tiền

Theo các chuyên gia, thị trường carbon được chia thành hai loại gồm: thị trường bắt buộc (sản phẩm là các hạn ngạch phát thải khí nhà kính) và thị trường tự nguyện (sản phẩm là các tín chỉ carbon). Thị trường carbon hoạt động dựa trên nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền”, cho phép các tổ chức mua bán, trao đổi các hạn ngạch phát thải khí nhà kính và một tỷ lệ nhất định các tín chỉ carbon. Thị trường carbon bắt buộc đã được chứng minh là có hiệu quả nhất trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

Tiềm năng và cơ hội của thị trường carbon ở TP. Hồ Chí Minh được áp dụng cơ chế đặc thù thí điểm theo tinh thần Nghị quyết 98/2023/NQ15. Là một thành phố năng động và phát triển nhanh chóng, TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí (phát thải hơn 60 triệu tấn CO2/năm, chiếm khoảng 18 - 23% cả nước). Việc triển khai thị trường carbon vào năm 2028 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thành phố.

Trong đó bao gồm: giảm phát thải khí nhà kính; tăng hiệu quả kinh tế; thu hút đầu tư và tạo việc làm; góp phần nâng cao vị thế quốc tế; ngoài ra, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 hiệu quả sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức và góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây là lợi thế vượt trội để chính quyền thành phố khẳng định vị thế đi đầu, năng động, sáng tạo, hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những cơ hội, thách thức của thị trường carbon. Đây là một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. TP. Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng để triển khai thí điểm và vận hành thị trường carbon góp phần mang lại nhiều lợi ích cho thành phố, cũng như cả nước.

Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng cam kết đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển thị trường carbon của Việt Nam.

Theo nghiên cứu, thị trường carbon tác động lên doanh nghiệp và lên nền kinh tế đã thực hiện thị trường carbon bắt buộc và chưa thực hiện thị trường carbon bắt buộc.

Không tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, kết quả nghiên cứu từ chương trình chuẩn quốc tế về cắt giảm lượng khí nhà kính thải ra trong tất cả ngành công nghiệp (ETS) tác động đối với nền kinh tế có ảnh hưởng tiêu cực lên GDP và GDP bình quân đầu người. Tác động này tăng theo thời gian, làm giảm khoảng 15,7 - 18,4% tổng phát thải CO2 nhưng không ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế; giảm hàm lượng CO2 và sử dụng năng lượng hóa thạch.

TP. Hồ Chí Minh: Tiềm năng phát triển mạnh mẽ thị trường carbon trong tương lai
Diễn giả nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thuyết trình tại cuộc hội thảo. Ảnh: Ánh Linh

Cũng theo ETS, mục tiêu làm giảm lượng phát thải CO2 khoảng 10% tổng phát thải CO2, nhất là ngành hóa chất; không tác động lên lợi nhuận và việc làm của các doanh nghiệp; cấp miễn phí giấy phép có tác động thấp hơn; đồng thời làm giảm bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn; hiệu quả hơn ở khu vực đô thị hóa thấp và phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu than.

Về vấn đề nghiên cứu thị trường hạn ngạch đóng vai trò quan trọng đối với TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Nghị quyết số 98/QH15 (24/6/2023) cho phép TP. Hồ Chí Minh thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù. Trong đó, đặt ra tính cấp thiết ở TP. Hồ Chí Minh cần sớm khắc phục là nơi có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất với 57,6 triệu tấn, chiếm 23.3% lượng khí thải cả nước.

Hiện thành phố có 140 doanh nghiệp trong diện phải tiến hành kiểm kê khí nhà kính, trong đó có 106 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất. Số doanh nghiệp phải kiểm kê có thể tăng lên khi danh mục cập nhật bổ sung mà Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ./.

3 mục tiêu mà nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đưa ra, gồm:

Thứ nhất, phân tích các tác động của thị trường hạn ngạch đến các mục tiêu về kinh tế - xã hội như GDP, xuất nhập khẩu, việc làm và thu nhập cho người lao động dựa trên kết quả của mô hình phân tích các kịch bản.

Thứ hai, phân tích tác động của thị trường hạn ngạch đến các hành vi của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh.

Thứ ba, đề xuất chính sách phí và lệ phí môi trường để đảm bảo không tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của hạn ngạch nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu về giảm phát thải thông qua việc tính toán mức chi phí tăng thêm mà doanh nghiệp phải chịu khi thị trường hạn ngạch đi vào hoạt động.