Việc thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp công còn góp phần vào thực hiện cải cách tiền lương

Việc thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp công còn góp phần vào thực hiện cải cách tiền lương, tăng chi cho các chương trình phúc lợi xã hội.

Bên cạnh những quy định các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ về nhân sự, tự chủ về tài chính, tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, Nghị định còn quy định rõ về vấn đề lập, chấp hành dự toán thu, chi… nhằm phát huy tối đa quyền tự chủ của đơn vị.

Chủ động thu chi

Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) Phạm Văn Trường, tự chủ sẽ giúp các đơn vị chủ động phân tích, đánh giá giữa khả năng và nhu cầu các nguồn tài chính để xây dựng các chỉ tiêu thu chi ngân sách hàng năm một cách đúng đắn, phù hợp thực tiễn; giúp đơn vị lựa chọn được cách thức tối ưu nhất để đạt được mục tiêu đề ra.

Theo Nghị định 141, đối với đơn vị sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước và dịch vụ khác thì hàng năm, căn cứ vào kết quả thực hiện về số lượng, khối lượng dịch vụ, tình hình thu, chi hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và các dịch vụ khác... để lập kế hoạch về số lượng, khối lượng dịch vụ và dự toán thu chi gửi cơ quan quản lý cấp trên. Bên cạnh đó, đối với dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ thì hàng năm sẽ căn cứ vào số lượng, khối lượng, đơn giá của dịch vụ theo hướng dẫn của bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh để lập dự toán gửi cơ quan quản lý cấp trên.

Thêm vào đó, nghị định cũng quy định, đối với dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ theo giá chưa tính đủ chi phí, đơn vị lập dự toán ngân sách hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá dịch vụ sự nghiệp công.

Còn đối với dự toán chi từ nguồn thu phí được để lại theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì có thể căn cứ theo tình hình thực hiện năm hiện hành để lập kế hoạch về số thu phí. Đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên từ nguồn thu phí được để lại chi theo quy định, không có nguồn thu hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, việc lập dự toán chi bao gồm chi từ nguồn phí được để lại và phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ, do nguồn thu phí được để lại chi theo quy định không đảm bảo đủ chi thường xuyên. Đối với đơn vị do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên thì căn cứ vào tình hình thực tiễn năm hiện hành, số lượng người làm việc đã được phê duyệt, chế độ chi tiêu hiện hành... để lập dự toán thu, chi ngân sách.

Về phân bổ và giao dự toán, căn cứ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, cơ quan quản lý cấp trên giao dự toán kinh phí ngân sách đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị theo từng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Như vậy, trên cơ sở dự toán ngân sách được giao, các đơn vị sự nghiệp chủ động tổ chức triển khai thực hiện, đưa ra các biện pháp cần thiết đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ thu chi được giao, đồng thời phải có kế hoạch sử dụng kinh phí theo đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.

Quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu

Theo ông Phạm Văn Trường, Nghị định 141 cũng đề cập cụ thể đến trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc đạt được mục tiêu của đơn vị thông qua sử dụng một cách hiệu lực và hiệu quả các nguồn lực như nhân sự, tài chính, vật chất... Ông Trường phân tích, đặc thù của các đơn vị sự nghiệp công là cung cấp dịch vụ công, được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nguồn thu, đề tài, dự án, quản lý nhân sự... nên người đứng đầu đơn vị phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm... Như vậy, trong các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, người đứng đầu chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật đối với các quyết định thực hiện quyền tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế sử dụng tài sản, dân chủ cơ sở, công khai tài chính, kiểm toán nội bộ theo quy định. Người đứng đầu phải bảo đảm chất lượng dịch vụ sự nghiệp công theo các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Mặt khác, người đứng đầu cũng có trách nhiệm giải trình hoạt động của đơn vị theo quy định của pháp luật; hàng năm phải báo cáo tình hình, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế tự chủ cho cơ quan cấp trên.

"Khi thực hiện tự chủ, thay vì chi cho các đơn vị sự nghiệp công, ngân sách nhà nước sẽ chuyển sang hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công như các đối tượng chính sách khó khăn, người nghèo, vùng sâu vùng xa… Ngoài ra, việc thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp công còn góp phần vào thực hiện cải cách tiền lương, tăng chi cho các chương trình phúc lợi xã hội…".

Tố Uyên