Quy định miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp làm giảm giá thành dịch vụ sự nghiệp công cung ứng cho người dân. Ảnh tư liệu |
Tính toán ưu đãi thuế tránh thiệt thòi cho đơn vị sự nghiệp công
Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó có đề xuất quy định về miễn thuế đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp công.
Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành, đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế TNDN xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập thì phải nộp thuế TNDN như các doanh nghiệp thông thường.
Đã giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp cho một số đối tượngPháp luật về thuế TNDN hiện hành chưa có chính sách ưu đãi dành cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong khi đây là đối tượng cần được ưu đãi theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Trong khi đó, đối với trường hợp các tổ chức khác (không phải đơn vị sự nghiệp công lập) có thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công để thúc đẩy việc xã hội hóa (các bệnh viện tư nhân, trường học dân lập...), Luật Thuế TNDN hiện hành đã quy định mức ưu đãi cao nhất. Theo đó, đã giảm từ 10-50% cho một số đối tượng. |
Trường hợp các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên toàn bộ doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ do Chính phủ quy định (mức tỷ lệ % cụ thể được quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ).
Hiện nay, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập vừa thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN), vừa cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN và các dịch vụ khác. Trong trường hợp có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo) mà đơn vị sự nghiệp công lập tự quyết định mức giá theo nguyên tắc giá thị trường hoặc liên doanh, liên kết để thực hiện kinh doanh thu lợi nhuận, thì việc quy định khoản thu nhập này phải nộp thuế TNDN theo quy định như hoạt động kinh doanh bình thường khác là hợp lý.
Tuy nhiên, đối với những dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN mà giá dịch vụ cung ứng vẫn chưa tính đủ chi phí nên NSNN vẫn hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá, không phải là hoạt động kinh doanh tạo lợi nhuận và đối với những loại dịch vụ do các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng là dịch vụ cơ bản, thiết yếu, có ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động đến toàn bộ người dân, thì việc đặt vấn đề phải nộp thuế TNDN như hiện hành đối với các đơn vị sự nghiệp công lập này là chưa phù hợp.
Giảm thuế để giá thành dịch vụ công cung ứng cho người dân
Để khuyến khích và thúc đẩy việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, đặc biệt là các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu sử dụng NSNN, dịch vụ công sử dụng NSNN tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Bộ Tài chính cho rằng, cần bổ sung quy định miễn, giảm thuế TNDN cho các trường hợp này. Qua đó, góp phần làm giảm giá thành dịch vụ sự nghiệp công cung ứng cho người dân, thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công đầu tư mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn thu nhập có được.
Tại dự thảo Luật sửa đổi lần này, Bộ Tài chính đề xuất quy định cụ thể như sau: Thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, bao gồm: Dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN do cơ quan có thẩm quyền ban hành; Dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước phải hỗ trợ, đảm bảo kinh phí hoạt động do chưa tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ trong giá dịch vụ; Dịch vụ sự nghiệp công tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế TNDN tính trên phần thu nhập từ chuyển giao công nghệ, thu nhập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc ưu đãi thuế TNDN đối với một số lĩnh vực, địa bàn và đối tượng doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển. Khi doanh nghiệp kinh doanh tốt thì kinh tế sẽ phát triển, từ đó sự đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách cũng tốt hơn./.
Sửa luật bao quát hết các ưu đãi thuếDự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024) và thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025). Theo một số chuyên gia kinh tế, chính sách ưu đãi thuế hiện nay vẫn còn được lồng ghép trong các luật chuyên ngành. Trong quá trình xây dựng các luật chuyên ngành thời gian qua, tại một số văn bản luật vẫn tiếp tục có các quy định về chính sách ưu đãi thuế đã ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, làm tăng tính dàn trải và giảm tính trung lập của thuế. Do đó, tại Luật Thuế TNDN sửa đổi lần này phải bao quát được hết các ưu đãi thuế tại các văn bản luật. Tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 khóa 12 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đề ra định hướng: Nhà nước chăm lo, bảo đảm cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu trên cơ sở giữ vững, phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, phân định rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao với hoạt động kinh doanh dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng và hoàn thiện các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo nguyên tắc: Đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước bảo đảm kinh phí; đối với các dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Đối với các dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập cùng tham gia. Đối với các dịch vụ khác thì đẩy mạnh thực hiện theo cơ chế xã hội hóa, huy động sự tham gia cung ứng của các thành phần kinh tế. Định hướng của Trung ương về vấn đề này cũng khá rõ ràng. Đó là, NSNN bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở, khám, chữa các bệnh phong, lao, tâm thần; nghiên cứu khoa học cơ bản; văn hoá, nghệ thuật dân gian; bảo trợ xã hội và chăm sóc người có công,...) và đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người… Do đó, thời gian tới, những vấn đề này sẽ được hiện thực hóa trong dự thảo Luật, nhằm thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về vấn đề này./. |