Doanh nghiệp cần rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí bảo vệ môi trường vào cuối năm tránh sai sót

Tư vấn pháp luật
Ông Nguyễn Văn Phụng - Nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).

Hỏi: Chúng tôi được biết các loại thuế, phí bảo vệ môi trường (BVMT) quy định khai theo tháng, khai theo quý tùy theo quy mô doanh thu năm của doanh nghiệp (DN), tại sao DN lại phải rà soát điều chỉnh vào cuối năm?

Trả lời: Giá bán và sản lượng mua bán là những nhân tố đòi hỏi phải chính xác, đúng đắn theo thực tế giao dịch và phù hợp với quy định pháp luật.

Qua thực tiễn thi hành cho thấy, không ít DN thực hiện theo giá tạm tính, lượng thực tế, hoặc lượng tạm ghi nhận theo các thông tin có được tại thời điểm tháng đó, quý đó, nhưng sau đó có thông tin bổ sung, điều chỉnh phù hợp với pháp luật. Có DN đã điều chỉnh ngay, có DN bận mải kinh doanh chưa kịp làm ngay. Vì thế, khoảng thời gian quyết toán năm phải rà soát xem có còn thiếu sót không.

Thuế, phí liên quan đến tài nguyên, BVMT có nhiều loại, và với mỗi một mặt hàng lại có những điểm đặc thù chỉ những DN trong lĩnh vực đó mới hiểu hết.

Ví dụ đối với than, thuế/phí tài nguyên tính toán áp thuế đối với than nguyên khai nhưng thực tế than tiêu thụ là than thành phẩm, nên phải quy đổi lại. Than tập trung tiêu thụ sàng tuyển tại một đầu mối, nhưng than vào sàng tuyển đến từ nhiều công ty khai thác..., khâu sàng tuyển, tiêu thụ phải tính ra của công ty này bao nhiêu, công ty kia bao nhiêu… các bên phải rà soát đối chiếu.

Hoặc thuế BVMT đối với xăng dầu tưởng là đơn giản mỗi lít mấy nghìn đồng, cứ sản lượng bán ra áp thuế là xong… Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy, vì pháp luật quy định chỉ khi nào DN đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra thì mới tính thuế (vì thuế BVMT chỉ tính thu 1 lần duy nhất), còn các DN đầu mối này bán cho đầu mối kia thì chưa phải nộp.

Quản lý kinh doanh xăng dầu phải theo dõi theo lô, theo chuyến tàu, kinh doanh xăng dầu phải thực hiện bình ổn giá, điều hòa lượng cung - cầu giữa các khu vực theo chỉ đạo của Nhà nước, cho nên các DN đầu mối mua bán lẫn nhau là việc bình thường. Vì vậy, thuế phải rà soát thật kỹ, nếu không sẽ xảy ra hệ lụy là rất có thể sót thuế, thiếu thuế, trốn thuế (như mấy vụ lớn báo chí nêu gần đây); hoặc không ngoại trừ nộp thuế trùng ở một DN đầu mối nào đó. Tuấn Nguyễn (ghi)

Thực hiện khai bổ sung sau thông quan hàng nhập khẩu trong thời hạn 60 ngày

Tư vấn pháp luật
TS. Nguyễn Hoàng Tuấn (Học viện Tài chính.

Hỏi: Công ty chúng tôi có thực hiện nhập khẩu một lô hàng từ nước ngoài về, lô hàng đã hoàn thành thủ tục hải quan và thực hiện thông quan về kho công ty. Tuy nhiên, sau 1 tháng kể từ khi thông quan, qua rà soát chúng tôi nhận thấy lô hàng đã bị xác định khai sai thuế suất giá trị gia tăng (GTGT). Vậy trong trường hợp này chúng tôi có được phép khai sửa đổi hay không? Có bị xử phạt theo quy định hay không?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì công ty có thể thực hiện khai bổ sung sau thông quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra.

Trường hợp công ty khai bổ sung thuế suất thuế GTGT làm tăng số thuế phải nộp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra thì công ty phải nộp: tiền thuế tăng lên do khai bổ sung; tiền chậm nộp 0,03%/ngày kể từ ngày thông quan đến ngày nộp thuế (Điều 133 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 39/2018/TT-BTC); không bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 9 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020).

Hỏi: Xin cho biết chính sách thuế nhập khẩu đối với sản phẩm được doanh nghiệp chế xuất gia công cho doanh nghiệp nội địa khi nhập khẩu vào thị trường trong nước?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 điều 22 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ, trường hợp doanh nghiệp nội địa giao hàng hóa để thuê doanh nghiệp chế xuất gia công thì sản phẩm thuê doanh nghiệp chế xuất gia công nhập khẩu vào nội địa Việt Nam phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu theo quy định.

Trị giá tính thuế nhập khẩu là tiền thuê gia công, trị giá của nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình gia công do phía nước ngoài cung cấp và các khoản điều chính (nếu có) theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính, không tính vào trị giá tính thuế trị giá của vật tư, nguyên liệu mà doanh nghiệp nội địa đưa đi gia công tại doanh nghiệp chế xuất. Hồng Vân (ghi)

Điều kiện cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất

Tư vấn pháp luật
Luật sư Lê Văn Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Hỏi: Quy định về điều kiện cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo Luật Đất đai 2024?

Trả lời: Theo quy định của Luật Đất đai 2024, việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện cụ thể để đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình này. Điều đầu tiên cần lưu ý là việc quyết định thu hồi đất phải có hiệu lực thi hành. Tức là, quyết định này đã được ban hành và thông báo một cách công bằng đến người có đất bị thu hồi. Việc này đảm bảo rằng người dân được thông tin đầy đủ và có thời gian để chuẩn bị cho việc thực hiện quyết định này.

Thứ hai, quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất phải được công khai. Điều này có nghĩa là thông tin về quyết định này phải được đăng tải một cách rõ ràng và minh bạch tại các nơi như trụ sở của UBND cấp xã và các địa điểm sinh hoạt chung của cộng đồng địa phương. Việc công khai này giúp đảm bảo tính minh bạch và tranh chấp được giải quyết một cách công bằng và đúng đắn.

Thứ ba, việc cưỡng chế phải được thực hiện theo quyết định đã có hiệu lực. Điều này có nghĩa là người chịu cưỡng chế phải tuân thủ và thực hiện theo những quy định đã được xác định trước đó một cách rõ ràng và công bằng. Không được phép có bất kỳ sự can thiệp hay thay đổi nào trong quy trình thực hiện sau khi quyết định đã được thông báo và có hiệu lực.

Cuối cùng, người bị cưỡng chế thu hồi đất phải đã nhận được thông báo về quyết định cưỡng chế và quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành. Điều này đảm bảo rằng họ có thông tin đầy đủ về quyết định và có cơ hội để tham gia vào quy trình pháp lý nếu cần.

Trong trường hợp người bị cưỡng chế thu hồi đất từ chối nhận quyết định cưỡng chế, hoặc không có mặt khi giao quyết định cưỡng chế, thì UBND cấp xã phải thực hiện việc lập biên bản để ghi nhận những sự việc này. Biên bản này có vai trò quan trọng trong việc chứng minh rằng quy trình cưỡng chế đã được thực hiện một cách đúng đắn và theo đúng quy định của pháp luật.

Việc lập biên bản này giúp đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai. Nó cung cấp bằng chứng cho việc UBND cấp xã đã thực hiện đầy đủ các bước cần thiết để thông báo và giao quyết định cưỡng chế đến người bị ảnh hưởng. Đồng thời, biên bản cũng ghi lại những hành động từ chối, hoặc vắng mặt của người bị cưỡng chế, từ đó đảm bảo quyền lợi của cả hai bên được bảo vệ và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Tóm lại, việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất là một quy trình phức tạp đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật để đảm bảo tính công bằng và minh bạch cho tất cả các bên liên quan. Điều này là cần thiết để đảm bảo rằng quá trình thu hồi đất diễn ra một cách hợp lý và không gây ra tranh cãi hoặc bất đồng ý kiến trong cộng đồng. Tài Tâm (ghi)